Luật sư của ông Đặng Thanh Bình đề cập hình thức 'tù tại gia'

Sau khi VKS phát biểu quan điểm đề nghị bác toàn bộ kháng cáo thì các luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo bắt đầu tranh luận.

LS bào chữa cho bị cáo Hà Tấn Phước (cựu tổ trưởng tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN)) và Lê Văn Thanh (cựu chánh Thanh tra NHNN tỉnh Long An) đồng tình với quan điểm của VKS về tội danh. LS chỉ đề cập đến các tình tiết giảm nhẹ khác của bị cáo.

Theo LS, tuy tổ giám sát có sai phạm nhưng sự nỗ lực, quyết liệt ngăn chặn, hạn chế thiệt xảy ra của tổ giám sát cũng phải được xem xét để thấu tình đạt lý. Tại phiên tòa hôm qua, đại diện Ngân hàng Xây dựng khai đã khắc phục hậu quả được 5.000 tỉ nên LS đề nghị HĐXX xem xét tình tiết này.

Cũng theo LS, giai đoạn bị cáo Phước giữ vai trò tổ trưởng tổ giám sát thì thiệt hại chưa xảy ra; gia đình Phước và Lê Văn Thanh có công với cách mạng, bị cáo Phước đang nuôi mẹ,... Cạnh đó, theo LS, bị cáo Lê Văn Thanh đang điều trị bệnh trầm cảm tại BV Tâm thần tỉnh Long An và mắc một số bệnh khác rất nguy hiểm. Từ đó, LS đề nghị cho hai thân chủ của mình hưởng án treo.

Quang cảnh phiên xử. Ảnh: MINH CHUNG

LS của Bình nói đến tù tại gia?

LS bào chữa cho ông Bình cho rằng trong kháng cáo của bị cáo đã nêu những điểm bất cập và những điểm không chính xác mà bản án sơ thẩm đã nhận định.

Cụ thể, cấp sơ thẩm cho rằng Bình biết Phạm Công Danh không đủ năng lực tài chính nhưng vẫn cho tham gia, bút phê của ông Bình trên tờ trình là đi ngược, không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng. Từ đó cấp dưới thực hiện không đúng, đây là nguyên nhân trực tiếp để nhóm Phạm Công danh và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội. Theo LS, những vấn đề quan trọng, hệ trọng của ngân hàng phải có sự quyết định của tập thể lãnh đạo ngân hàng.

Ở đây, việc tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín là một việc hệ trọng nên không thể do một cá nhân dù là thống đốc hay phó thống đốc quyết định. Ông Bình đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình. Tại cuộc họp, lãnh đạo NHNN đã thống nhất, đồng ý với tờ trình về việc cho Ngân hàng Đại Tín tái cơ cấu bằng việc chấp nhận cho nhóm cổ đông của Phạm Công Danh tham gia tái cơ cấu.

Ông Bình không tự quyết định vấn đề hệ trọng này, đây là vấn đề mấu chốt để xem xét hành vi của ông Bình. Quá trình tái cơ cấu là quá trình lâu dài, đúng một năm, liên tục và thường xuyên, ông Bình đã thực hiện đúng nhiệm vụ của mình.

Vấn đề thứ hai LS của ông Bình cho rằng việc đánh giá năng lực tài chính là vấn đề quan trọng trong việc tái cơ cấu. Việc kiểm tra năng lực tài chính được thực hiện ngay từ đầu. Ông Bình chỉ đạo kiểm tra vốn sau này là yêu cầu kiểm tra nguồn tiền sử dụng để góp vốn để đảm bảo nguồn tiền góp vốn không phải là tiền vay, tiền nhận ủy thác; xác định số vốn sở hữu của chủ đầu tư khi các bên thực hiện chuyển nhượng vốn.

Bút phê của ông không có nội dung chỉ đạo không đánh giá năng lực đầu tư của nhóm đầu tư mới. Vì vậy bút phê này không trái với ý kiến của Thủ tướng.

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo. Ảnh: YC

Cạnh đó, LS của ông Bình còn cho rằng ông Bình đã quyết liệt chỉ đạo xử lý đối với những sai phạm xảy ra. Trong việc tái cơ cấu ngân hàng và chỉ đạo công tác, thanh tra giám sát, ông Bình cho rằng việc này chưa có tiền lệ và năng lực cán bộ NHNN Chi nhánh Long An còn hạn chế và bản thân ông chưa đánh giá hết. Ông Bình thừa nhận thiếu sót khi đã không lưu ý, hướng dẫn cấp dưới thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ trong việc thanh tra kịp thời và phát hiện sai phạm của Phạm Công Danh.

Cạnh đó, LS của ông Bình cho rằng Ngân hàng Đại Tín nằm trong diện kiểm soát đặc biệt nên không xử lý hình sự đối với những người có liên quan đến việc tái cơ cấu đối với ngân hàng thuộc diện này.

Một LS khác cùng bào chữa cho ông Bình cho rằng mức án cấp sơ thẩm tuyên tuy là mức thấp nhất của khung hình phạt bị truy tố, xét xử nhưng vẫn còn cao, còn mức nhẹ hơn để áp dụng. HĐXX sơ thẩm áp dụng hai tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Bình (thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và có thành tích xuất sắc trong công tác) nên có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng và trong khung hình phạt liền kề. Điều này đã được cấp sơ thẩm vận dụng cho các bị cáo khác trong vụ án này, mức án thấp hơn khung.

Đáng chú ý, theo LS của ông Bình, quan điểm "ông nào chức cao nhất thì tù cao nhất" là không đúng mà tùy thuộc vào tính chất, mức độ, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ,... để xem xét. Thậm chí tại cuộc họp Quốc hội, các đại biểu bàn về câu chuyện chấp hành hình phạt tại gia (tù tại gia) tức là nhìn nhận góc độ pháp luật của một số cán bộ trước đây không nguy hiểm, không cần thiết phải cách ly ra khỏi đời sống xã hội để đưa vào trại giam.

Trong trường hợp này cần nhìn nhận với nhân thân của các bị cáo, đặc biệt Bình là một lãnh đạo cấp cao để mong HĐXX xem xét có nên cách ly bị cáo Bình ra khỏi xã hội để thực thi trong nhà giam hay không. LS cho rằng điều này có lẽ là không cần thiết. 

Vì vậy, các LS của ông Bình đề nghị áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) cho bị cáo, nếu không đủ cơ sở miễn TNHS thì giảm hình phạt và cho Bình hưởng án treo.

VKS phản bác

Đối với ý kiến LS của ông Bình về việc xem xét trách nhiệm cá nhân hay tập thể. Theo VKS, Bình là phó thống đốc, với tư cách cá nhân không thực hiện đúng chỉ đạo trong việc tái cơ cấu, không đánh giá được năng lực tài chính của chủ đầu tư khi tham gia, không có biện pháp quyết liệt trong việc giám sát dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng. Trách nhiệm cá nhân của ông Bình là thiếu trách nhiệm như cấp sơ thẩm quy kết.

Đối với ý kiến cho rằng có thể xử dưới khung hoặc qua hình phạt khác. Theo VKS, việc truy tố khoản 2 Điều 285 BLHS có mức hình phạt 3-12 năm tù, với tính chất, mức độ hành vi của bị cáo Bình gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng (hơn 15.000 tỉ đồng). Đây là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, việc buông lỏng quản lý ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia… nên mức hình phạt ba năm tù là phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm