Điều lệ Liên đoàn LS Việt Nam có nêu “Cùng với những bước phát triển của đất nước, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thực hiện sứ mệnh của mình trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế…”. Đây là lời khẳng định cho sứ mệnh của LS, và nó càng có ý nghĩa hơn trong giai đoạn hiện nay khi Đảng và Nhà nước quyết tâm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
LS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: NVCC |
Là một LS hành nghề hơn 22 năm, tôi mong rằng các cơ quan nhà nước nói chung, đặc biệt những người tiến hành tố tụng nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho các LS thực hiện được đầy đủ quyền của mình. Có như vậy, LS có mới thể thực hiện được sứ mệnh bảo vệ sự độc lập của nền tư pháp; bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý.
Mong muốn này xuất phát từ thực tiễn năm năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, LS tham gia tố tụng gặp nhiều khó khăn, chưa thực hiện được đầy đủ quyền hành nghề, ảnh hưởng đến uy tín, vị thế của LS khi đảm nhận bào chữa từ giai đoạn điều tra, ảnh hưởng lớn đến quyền của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự.
Có thể kể đến như trong giai đoạn điều tra vụ án, quyền gặp mặt, trao đổi, làm việc của người bào chữa với bị can bị tạm giam còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký người bào chữa theo yêu cầu của người bị buộc tội, LS có văn bản đăng ký gặp người buộc tội bị tạm giam nhưng với nhiều lý do khác nhau đều không được giải quyết.
Bên cạnh đó, Luật LS nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của LS. Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước khác và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho LS thực hiện quyền và nghĩa vụ của LS khi hành nghề, không được cản trở hoạt động hành nghề của LS.
Người có chức vụ, quyền hạn mà có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của LS, tổ chức hành nghề LS hoặc cản trở LS, tổ chức hành nghề LS thực hiện quyền, nghĩa vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng, đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào chế tài hành vi cản trở hoạt động hành nghề của LS.
Hành nghề là cơ hội bảo vệ “công lý”
LS Đinh Thị Quỳnh Như. Ảnh: NVCC |
Với hơn 20 năm hành nghề, cảm nhận về nghề của tôi thay đổi qua từng giai đoạn. Ban đầu là sự háo hức, nhiệt huyết và niềm tin sẽ làm được rất nhiều việc lớn lao, thay đổi được nhiều thứ. Sau đó, càng tiếp cận và làm nghề, tôi càng thấy sự khó khăn, đôi khi cả niềm tin sụt giảm do những điều không giống như mình kỳ vọng.
Nhưng đến thời điểm này, và cả từ 10 năm trước đó đến nay, tôi cho rằng mình đã cảm nhận được nghề sâu sắc hơn, hiểu được nghề của mình làm được gì, giúp ích được gì và cả những gì là giới hạn.
Được làm việc và cọ sát nhất với hai từ “công lý”, không chỉ riêng tôi mà còn là các LS đồng nghiệp khác, đang từng chút, từng chút, nhận nhiệm vụ và cả cơ hội bảo vệ “công lý” trong khả năng và trách nhiệm của mình.
LS Đinh Thị Quỳnh Như, Đoàn LS TP.HCM