Mới đây luật sư (LS) Nguyễn Hồng Hà (Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa) đã gửi bản kiến nghị yêu cầu chánh án TAND tỉnh này có ý kiến xác định biên bản nghị án của tòa án cấp sơ thẩm có phải là tài liệu mật hay không. Trước đó, một thẩm phán TAND tỉnh này không cho LS Hà đọc, sao chụp tài liệu này với lý do: Đây là tài liệu mật của ngành TAND.
LS Hà nhận bảo vệ cho nguyên đơn trong một vụ tranh chấp di sản thừa kế, đang được TAND tỉnh giải quyết phúc thẩm (nguyên đơn kháng cáo). Để chuẩn bị tham gia tố tụng trong phiên tòa phúc thẩm tới, LS Hà đăng ký đọc và sao chụp hồ sơ vụ kiện. Thông qua thư ký phiên tòa LS đã được sao chụp các tài liệu trong vụ án nhưng riêng biên bản nghị án của tòa án cấp sơ thẩm thì không được. LS thắc mắc thì Thẩm phán Nguyễn Hồng Tuấn, người trực tiếp giải quyết, giải thích đây là tài liệu mật của ngành TAND. Việc đánh giá tính hợp pháp của biên bản nghị án này thuộc thẩm quyền VKS và HĐXX phúc thẩm…
Trao đổi lại với thẩm phán, LS Hà cho rằng theo quy định tại Điều 76 BLTTDS 2015 (tương ứng với Điều 58 BLTTHS 2003) thì LS được quyền xem, sao chụp toàn bộ hồ sơ trong đó có biên bản nghị án. Việc không cho sao chụp biên bản ảnh hưởng đến quyền của LS và nội dung tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm sắp tới. Bởi LS phải đánh giá về tính hợp pháp của bản án sơ thẩm bị kháng cáo, có cả biên bản nghị án. “Tôi gửi kiến nghị đến chánh án TAND tỉnh nhằm xác định rõ quan điểm không chỉ trong vụ này mà còn để áp dụng thống nhất, tạo điều kiện cho các LS được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng” - LS Hà nói.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thẩm phán Nguyễn Hồng Tuấn xác nhận việc ông không cho LS Hà xem, sao chụp biên bản nghị án của tòa sơ thẩm. Ông Tuấn nói: “Theo quy định, đó là tài liệu mật vì biên bản đó ghi lại quan điểm của từng thành viên HĐXX. Mà tài liệu mật thì chỉ được xem xét hoặc chiếu, chụp theo quy định chứ không phải ai cũng có thể xem được…”.
Trong khi đó, Phó Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Công Đường lại khẳng định biên bản nghị án của tòa sơ thẩm không phải là tài liệu mật. “Nó là một tài liệu trong vụ án. Nếu LS tham gia tố tụng thì có quyền đọc tài liệu trong hồ sơ vụ án và đương nhiên được tiếp cận biên bản nghị án” - ông Đường nói. Sắp tới chánh án TAND tỉnh sẽ có văn bản trả lời chính thức với kiến nghị của LS Hà.
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng không có quy định nào coi biên bản nghị án của tòa sơ thẩm đã tuyên xử công khai nằm trong danh mục nhà nước là tài liệu mật của ngành tòa án. Cụ thể, theo Quyết định số 01 ngày 5-1-2004 của Thủ tướng Chính phủ (quy định danh mục bí mật nhà nước độ tối mật của ngành TAND) không có biên bản nghị án. Theo Quyết định số 30 ngày 8-1-2004 của bộ trưởng Bộ Công an (quy định danh mục bí mật nhà nước độ mật của ngành TAND) thì cũng không có biên bản nghị án.