"Chiến dịch tiêm ngừa vaccine sởi-rubella (MR) cho các em từ 16 tuổi đến 17 tuổi trên địa bàn TP.HCM phải tổ chức chu đáo, an toàn. Nếu để xảy ra tai biến giám đốc trung tâm y tế dự phòng quận, huyện phải chịu trách nhiệm” - BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phát biểu thông tin trên tại hội thảo triển khai chiến dịch tiêm vaccine MR cho đối tượng 16-17 tuổi được tổ chức vào chiều 4-3.
Kết thúc trước ngày 31-5
Nhân viên y tế đang tiêm vaccine sởi-rubella cho một học sinh. Ảnh: TRẦN NGỌC
BS Lê Hồng Nga, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết lịch tiêm chủng MR cho đối tượng 16-17 tuổi chia làm hai đợt. Đợt một tổ chức tiêm tại trường học từ ngày 13 đến 31-3. Đợt hai tổ chức tiêm tại trường học từ ngày 4 đến 15-5 và tại trạm y tế từ ngày 20 đến 22-5.
Trong khi đó, một BS của Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Bình đề nghị điều chỉnh lịch tiêm ngừa MR tại trạm y tế vì ngày 22-5 trùng với ngày bầu cử Quốc hội khóa 14.
BS Nga cho rằng chiến dịch tiêm vaccine MR cho đối tượng 16-17 tuổi có tính cấp bách nên Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đề xuất mốc thời gian. Tuy nhiên, nhà trường và trung tâm y tế dự phòng địa phương có thể điều chỉnh lịch tiêm ngừa để không ảnh hưởng đến việc thi cử của học sinh, cũng như hoạt động bầu cử Quốc hội. “Sau khi lấy ý kiến, tất cả đồng ý chiến dịch tiêm vaccine MR sẽ kết thúc trước ngày 31-5” - BS Nga phát biểu.
Các điểm tiêm vaccine MR cho đối tượng 16-17 tuổi phải tuyệt đối an toàn. Nếu không đảm bảo thì y tế dự phòng quận, huyện và nhà trường báo cáo Sở Y tế, Sở GD&ĐT TP.HCM biết để tìm hướng giải quyết. BS NGUYỄN HỮU HƯNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. |
Tập huấn khai thác nữ sinh mang thai
Đề cập đến kỹ năng khai thác các em nữ trong độ tuổi 16-17 có thai hoặc nghi ngờ mang thai, BS Nga cho biết trung tâm sẽ có buổi tập huấn chuyên môn dành cho nhân viên y tế để hướng dẫn nghiệp vụ này.
Liên quan đến đề xuất bố trí sẵn xe cấp cứu tại trường học trong thời gian tổ chức tiêm chủng, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng xe cấp cứu của các BV quận, huyện luôn hoạt động nên không thể túc trực thường xuyên tại trường học.
Hơn nữa, học sinh thấy xe cấp cứu dễ rơi vào trạng thái lo sợ, ảnh hưởng việc tiêm ngừa. “Nếu chẳng may xảy ra rủi ro, nhân viên y tế tiến hành xử lý ban đầu rồi nhanh chóng liên hệ với y tế tuyến cơ sở nhờ hỗ trợ” -BS Hưng nói.
Theo Bộ Y tế, chiến dịch tiêm vaccine MR cho đối tượng 16-17 tuổi lần đầu được triển khai trên phạm vi cả nước. Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy có khoảng 124.000 đối tượng 16-17 trên địa bàn TP được tiêm MR trong chiến dịch. |