Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long: "Phim Trung nói tiếng Việt"!

Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM đã có bài viết đề cập đến việc hoãn phát sóng phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long do 19 tập của bộ phim này mang đầy yếu tố Trung Hoa. Hội đồng Duyệt phim Quốc gia đã yêu cầu đoàn làm phim phải lược bỏ bớt những bối cảnh đậm chất Trung Hoa này và chỉ được phát sóng sau khi đã sửa chữa xong theo yêu cầu.

Sau khi báo đăng, Pháp Luật TP.HCM nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc cũng như ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu. Chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc.

TS NGUYỄN NHÃ:

Nhận thức của nhà làm phim quá kém!

Nhận thức và ý thức về lịch sử, văn hóa Việt Nam của những nhà làm phim quá kém. Trong thời điểm khi quan hệ biển Đông và các vấn đề ngoại giao Việt-Trung đang còn nhiều thách thức mà lại dựng phim về lịch sử Việt Nam với bối cảnh, nhân vật, phục trang giống phim Trung Quốc thì nguy cơ mất gốc văn hóa và mất nước khi nào không hay.

Nhận thức của người làm phim đi ngược lại lịch sử của ông cha. Trong thời điểm hiện nay, mỗi người đều phải kiên quyết không chấp nhận cho một bộ phim như vậy được công chiếu.

Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long: "Phim Trung nói tiếng Việt"! ảnh 1

Trên tay áo vua Lý Huệ Tông, các khúc uốn duệch doạc theo hình chữ U. Ảnh: NHK

Nhà thơ ĐỖ TRUNG QUÂN:

Không thể xúc phạm tiền nhân

Tôi không phải là người cực đoan để phủ nhận toàn bộ nền điện ảnh Trung Quốc. Tôi từng giới thiệu đến bạn bè những bộ phim hay của Trung Quốc như Aftershock (Dư chấn) của đạo diễn Phùng Tiểu Cương… Nhưng tôi không ngại gay gắt phê phán việc dựng một bộ phim lịch sử Việt Nam mà lại nhuốm màu sắc Trung Hoa. Trung Hoa từ đạo diễn, diễn viên, bối cảnh… Nên chăng chúng ta hỏi nhà sản xuất sao lại yêu Trung Hoa đến thế?

Tôi nói rằng Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long là “phim Trung Quốc nói tiếng Việt” hoặc “phim Trung Quốc không cần phụ đề”. Dù là phim tư nhân bỏ tiền đầu tư vẫn không thể cho phép xúc phạm tiền nhân như vậy!

TS NGUYỄN HỒNG KIÊN:

Không thể làm phim lịch sử bằng bối cảnh nước khác

Tôi cực kỳ lo lắng về bản sắc dân tộc của các phim chào mừng 1.000 năm Thăng Long đã và sẽ quay ở Trung Quốc. Hoặc sẽ chẳng khác gì các phim chưởng rẻ tiền. Hoặc sẽ chẳng thể ra chất Việt.

Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long: "Phim Trung nói tiếng Việt"! ảnh 2

Rồng thời Lý có các khúc uốn “thắt túi” như các chữ C nối tiếp nhau, vuốt nhỏ dần về đuôi.

Điện ảnh Việt Nam, những người quản lý ngành văn hóa Việt Nam đã và đang làm một việc “vô tiền khoáng hậu”: Làm phim về lịch sử dân tộc mình bằng những bối cảnh của đất nước khác. Mà quốc gia ấy, trong thời ấy và ngay cả bây giờ không bao giờ muốn chúng ta bảo tồn được bản sắc của mình.

Nguy hiểm nhất là những sự bịa đặt, vay mượn trang phục và kiến trúc Tàu này sẽ được các thế hệ sau coi là bản sắc dân tộc Việt.

Đau đớn là việc “tự chuyển hóa” này đang được thực hiện một cách chủ động.
Tôi muốn hỏi những người đã tham gia làm và muốn công chiếu bộ phim này: Các vị có bao giờ vào hùa với anh bạn hàng xóm chửi ông bà mình? Tôi chắc chắn người Trung Quốc hám tiền nhất cũng không làm điều đó.
Vậy nên đừng nói về bản sắc Việt ở bộ phim Tàu này (- trích từ blog Gốc Sậy).

QUỲNH TRANG ghi

Không nên chiếu phim này

Theo tôi thì không nên chiếu một bộ phim ngoại lai như vậy. Để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, phim phải thể hiện được khí thế thuần Việt ngàn năm kiên cường chống đô hộ phương Bắc giành độc lập, tự chủ.

PHAN LONG DŨNG (phalodu@yahoo.com)

Vấn đề là các nhà làm phim cứ đặt nặng thị hiếu người xem mà quên đi bối cảnh lịch sử - ta là người Việt Nam - cái giếng nước, gốc đa, sân đình, lũy tre làng, cái ao sen... là thành trì chống lại sự đồng hóa của người phương Bắc trong 1.000 năm. Một buổi lễ trọng đại hơn bất kỳ đại lễ nào trước đó - đại lễ 1.000 năm Thăng Long - không thể vì 100 tỉ đồng mà làm tiêu tan cái tự hào văn hóa Việt, những gì mà cha ông ta, dân tộc ta phải kiên cường bảo vệ, giành giật mới có được cho đến ngày hôm nay.

LÊ THANH HIỆP (lethanh_hiep@ymail.com)

Tiền của bỏ ra tuy lớn nhưng thiệt hại về nhận thức nền văn hóa thuần Việt còn lớn hơn gấp vạn lần. Ông cha ta đã dày công ngàn năm để không bị đồng hóa và nô dịch, từ tiếng nói, ăn mặc không thể lẫn lộn hai nền văn hóa. Buồn thay, hiện nay có một bộ phận thờ ơ với vận mệnh chính trị, nhận thức kém cỏi về văn hóa dân tộc đến như vậy.

MINH QUANG (bebeton@yahoo.com)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm