Lý do bị xử phạt khi chuyển hướng cuộc gọi lạ tới đường dây nóng Bộ Công an

(PLO)- Đường dây nóng của Bộ Công an nhằm tiếp nhận phản ánh về tiêu cực, tham nhũng của cán bộ chiến sĩ công an. Người dân không nên chuyển cuộc gọi lạ đến đây.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong cuộc nhậu tối qua, bạn tôi (một kiến trúc sư) đã tâm sự với nhóm chúng tôi về chuyện vay nợ qua app, lãi suất cao, muốn xin giãn thời gian trả nợ nhưng không được. Nhiều tháng qua, phía cho vay gọi điện đòi nợ, thúc ép, đe dọa cả ngày lẫn đêm khiến bạn mệt mỏi. Trong nhóm bạn có người khuyên bạn tôi nên chuyển hướng cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Công an ở số điện thoại 069.232.6555. Tôi can ngay, vì đó là hành vi sai phạm.

Tôi đưa cho bạn đọc bài báo có thông tin mới đây, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với chị TNC về hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.

Công an làm việc với một trường hợp chuyển hướng mọi cuộc gọi lạ đến số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an. Ảnh: CACC

Công an làm việc với một trường hợp chuyển hướng mọi cuộc gọi lạ đến số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an. Ảnh: CACC

Chị TNC vay nợ mà không có khả năng chi trả, bị phía đòi nợ gọi điện thúc ép nên đã nghĩ ra cách trên. Đáng chú ý, không chỉ chị C mà trước đó có nhiều người bị đòi nợ cũng đã dùng cách chuyển hướng các số lạ gọi đến đòi nợ sang đường dây nóng Bộ Công an, để mong là không bị làm phiền nữa. Nghĩa là không chỉ riêng bạn tôi có suy nghĩ này mà rất nhiều người có cùng cách xử lý sai, điều đó có thể gây họa cho mình.

Bởi lẽ số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an 069.232.6555 là nhằm tiếp nhận, xử lý tin phản ánh những hành vi tiêu cực, tham nhũng của lực lượng Công an, chứ không phải địa chỉ tiếp nhận các tin báo tố giác tội phạm.

Nghĩa là người dân có thể trực tiếp phản ánh thông tin về những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của cán bộ chiến sĩ công an đến đường dây điện thoại nóng của Bộ Công an, theo số điện thoại 069.232.6555.

Khi cung cấp thông tin phải không nêu rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ hoặc nội dung thông tin cung cấp không có cơ sở, căn cứ rõ ràng. Nội dung thông tin không liên quan đến tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ công an thì có thể bị từ chối giải quyết.

Bộ Công an đã nhiều lần khuyến cáo việc những người bị đòi nợ chuyển cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Công an là hành vi vi phạm thu thập, sử dụng thông tin của tổ chức mà không được sự đồng ý theo quy định của pháp luật. Theo quy định hiện hành, tổ chức nào có hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý theo quy định của pháp luật” thì bị phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng. Nếu cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì bị xử phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Những quy định này nằm ở điểm e, khoản 3, Điều 102, Nghị định số 15/2020 và Nghị định 14/2022 sửa đổi một số điều Nghị định 15/2020.

Vậy nên mọi người lưu ý đừng dại dột chuyển cuộc gọi tới đường dây nóng nói trên, có thể sẽ bị xử phạt vì sai quy định, làm ảnh hưởng đến hoạt động tiếp nhận, xử lý thông tin của số điện thoại này.

Đường dây nóng Bộ Công an tiếp nhận phản ánh xây dựng lực lượng CAND. Ảnh: Bộ Công an

Đường dây nóng Bộ Công an tiếp nhận phản ánh xây dựng lực lượng CAND. Ảnh: Bộ Công an

Câu hỏi đặt ra là vậy thì muốn tố giác tội phạm, người dân phải làm sao?

Theo hướng dẫn của Bộ Công an thì cách thức tố giác tội phạm như sau:

Trước khi tố giác, báo tin về tội phạm, người tố giác phải xác định sơ bộ về tính chất, mức độ vụ việc, trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết của cơ quan Công an các cấp có thẩm quyền.

Việc xác định cơ quan Công an các cấp có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được quy định tại Điều 9 và Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của cơ quan Công an tương ứng với thẩm quyền xét xử của Tòa án. Theo đó, chỉ có cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp quận, huyện, thị xã; cơ quan An ninh điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan An ninh điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có chức năng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Về hình thức tố giác, báo tin về tội phạm thì người dân có thể lựa chọn một trong các hình thức sau:

- Bằng miệng (trực tiếp đến trình báo hoặc tố giác, báo tin qua điện thoại tới cơ quan có thẩm quyền);

- Bằng văn bản (gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính (bưu điện) tới cơ quan có thẩm quyền).

Khi tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố tới cơ quan có thẩm quyền, cá nhân, cơ quan, tổ chức tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố cần cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu và trình bày rõ những hiểu biết của mình liên quan đến tội phạm mà mình tố giác, báo tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm