Lý do giá nhiều cổ phiếu bất động sản tăng mạnh

(PLO)- Với sự hỗ trợ về mặt chính sách, chiến lược kinh doanh đúng đắn, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang đạt được hiệu quả kinh doanh tốt lẫn giá trị cổ phiếu cao cho cổ đông.

Các chuyên gia phân tích Topi nhận định, nhóm ngành bất động sản có tiềm năng tốt trong năm 2024 có thể kể đến là bất động sản phân khúc nhà ở xã hội, chung cư bình dân và bất động sản khu công nghiệp.

Tăng trưởng rõ rệt về giá trị cổ phiếu

Thời gian gần đây, giá cổ phiếu Hoàng Quân liên tục có sự tăng trưởng. Sức hấp dẫn của cổ phiếu Hoàng Quân nằm ở việc đơn vị này vẫn duy trì được biên lợi nhuận trong giai đoạn thị trường bất động sản đầy biến động và vẫn còn khó khăn.

Tuy nhiên, giới đầu tư đang nhìn thấy câu chuyện khác và hấp dẫn hơn từ Hoàng Quân khi công ty tập trung chiến lược kinh doanh vào phân khúc nhà ở xã hội (NOXH).

Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Hoàng Quân cho biết năm 2024 dự kiến sẽ hoàn thành 3.000 căn NOXH, năm 2025 là 6.000 căn và sẽ tăng dần số lượng trong những năm tiếp theo.

“Chúng tôi đang mở rộng xây dựng NOXH tại nhiều tỉnh thành trong cả nước thông qua đấu giá, đấu thầu các dự án cho mục tiêu đạt 50.000 căn NOXH vào năm 2030” – ông Tuấn nói.

NOXH đang được Nhà nước hỗ trợ phát triển, người dân kỳ vọng sở hữu được một ngôi nhà có giá hợp lý trong khi quỹ đất xây dựng NOXH còn nhiều tại các tỉnh nên cổ phiếu Hoàng Quân trở nên hấp dẫn trong giới đầu tư.

Ngoài ra, giá cổ phiếu DIG và NVL cũng có sự tăng trưởng ổn định khi lần lượt chạm vùng giá 22.000 đồng và 11.000 đồng/cổ phiếu. Giới đầu tư đổ dồn vào đây vì hai công ty này cùng chuyển hướng kinh doanh phân khúc NOXH.

Việc đáp ứng đúng nhu cầu của người dân sẽ thúc đẩy sức tiêu thụ NOXH, từ đó gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho công ty. Nhà đầu tư trên sàn chứng khoán vốn thích các doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng bền vững bởi nếu giá nhà tăng quá nhanh có thể dẫn đến tình trạng bong bóng bất động sản, gây ra rủi ro cho các nhà đầu tư.

Các chính sách cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào BĐS cũng góp phần thúc đẩy thị trường. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Tương tự, các doanh nghiệp hoạt động trong phân khúc BĐS khu công nghiệp có sự tăng trưởng đều đặn từ doanh thu cho đến giá cổ phiếu.

Becamex, một ông lớn trong lĩnh vực BĐS khu công nghiệp ở khu vực phía Nam có lãi ròng hơn 500 tỉ đồng trong nửa năm đầu năm 2024. Hiệu quả kinh doanh tốt đã đẩy giá cổ phiếu Becamex lên đến vùng giá 72.000 đồng. Tính theo quý, giá cổ phiếu Becamex đã tăng 12%.

Tương tự, một ông lớn khác là Nam Tân Uyên, chuyên hoạt động trong phân khúc BĐS khu công nghiệp tại phía Nam. Đơn vị này có lãi ròng thấp hơn Becamex, nửa đầu năm 2024 có lợi nhuận sau thuế gần 140 tỉ đồng, nhưng giá cổ phiếu luôn tăng trưởng mạnh, hiện đã chạm vùng giá 190.000 đồng/cổ phiếu.

Theo thống kê của Vietstock Finance, chỉ số người mua trả tiền trước và doanh thu chưa thực hiện hay còn gọi là "của để dành" của Becamex đã tăng đến 31%, giá trị xếp thứ 10 toàn ngành với gần 2.400 tỉ đồng trong 6 tháng năm 2024.

Tiềm năng dài hạn

Nhóm cổ phiếu BĐS khu công nghiệp tiếp tục được dự đoán sẽ duy trì đà tăng từ năm 2023, thu hút không ít nhà đầu tư rót tiền. Nguyên nhân là tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở mức cao, giá cho thuê tăng tích cực.

Theo báo cáo của Avison Young, Hà Nội và TP.HCM đã lên kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang những mô hình công nghiệp mới, hiện đại hơn để phục vụ các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao và có giá trị lớn.

Chưa kể đến dòng vốn FDI tiếp tục diễn biến tích cực trong bối cảnh khu vực phía Nam được Nhà nước hỗ trợ nhiều chính sách thuận lợi và cải thiện hạ tầng giao thông.

Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn Việt Nam làm địa điểm mở xưởng sản xuất nên bất động sản khu công nghiệp còn nhiều triển vọng tăng trưởng hơn nữa.

Để bổ sung nguồn cung mới trên thị trường, giải pháp trước mắt vẫn đến từ việc cần giải quyết thủ tục pháp lý cho các dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư hoặc sẵn sàng được tung ra thị trường.

Nếu vướng mắc dự án thuộc thẩm quyền xử lý của các cấp chính quyền địa phương, cần mạnh dạn đưa ra các phương án quyết định trong khuôn khổ pháp lý hiện có.

Khi địa phương có quyết sách để tháo gỡ cho doanh nghiệp, chủ đầu tư có thể sớm đưa dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý hoặc triển khai rồi nhưng vướng pháp lý tung ra thị trường, giúp đa dạng hóa nguồn cung, dần cân bằng cán cân cung – cầu.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội

Theo các chuyên gia, để thị trường BĐS tăng trưởng bền vững thì Nhà nước tiếp tục tập trung tháo gỡ cơ sở pháp lý cho BĐS thương mại vừa túi tiền.

Chính quyền địa phương cần rà soát điều chỉnh quy hoạch về kế hoạch sử dụng đất cũng như thủ tục hành chính để thúc đẩy nhanh các dự án này.

Ngoài ra, cần chính sách khơi thông và sử dụng hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là những lĩnh vực ưu tiên như đô thị xanh.

Theo Topi, giai đoạn 2024 - 2025 tình hình bán hàng BĐS sẽ khởi sắc hơn, các dự án bất động sản hầu hết sẽ được bàn giao, kinh tế dần phục hồi, các chính sách liên quan đến BĐS dần được tháo gỡ.

Giới phân tích cho rằng trong thời gian tới các doanh nghiệp BĐS sẽ hưởng lợi về mặt kinh doanh cũng như sự tăng trưởng của giá cổ phiếu nhờ chính sách giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước giúp giảm chi phí vay vốn, kích thích nhu cầu mua nhà của người dân và doanh nghiệp. Các chính sách cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào BĐS cũng góp phần thúc đẩy thị trường.

Tập đoàn VinaCapital nhận định: "Dựa trên nhiều thông tin, chúng tôi cho rằng có khả năng khối lượng giao dịch bất động sản tại Việt Nam sẽ tăng tới 35% so với cùng kỳ năm trước trong 9 tháng đầu năm 2024. Tập trung vào hai lĩnh vực này sẽ trực tiếp thúc đẩy nền kinh tế, và một thị trường bất động sản sôi động hơn chắc chắn sẽ cải thiện tâm lý tiêu dùng và chi tiêu của người dân, vốn có phần bị trầm lắng trong năm 2024."

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới