Lý do 'phát nhầm' và 'nhận nhầm' trong gói hỗ trợ COVID-19

Trong báo cáo vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội liên quan đến việc thực hiện gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho biết trước tình hình dịch COVID-19, Chính phủ giao đơn vị này triển khai hai gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp với số tiền 64.000 tỉ đồng.

Người dân khu phố 1 phường 5, quận Phú Nhuận, TP.HCM nhận hỗ trợ đợt 3. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trong đó, gói 26.000 tỉ đồng thực hiện theo Nghị quyết 68, các Sở LĐ-TB&XH trên cả nước đã thực hiện hỗ trợ cho 26,9 triệu người. Tuy nhiên, một số chính sách có tỉ lệ giải ngân đạt thấp, như chính sách đối với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, chính sách cho người sử dụng lao động vay tiền để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất…

Gói hỗ trợ trên cũng có hạn chế khi một số địa phương gặp khó khăn về kinh phí, sợ sai, sợ trách nhiệm nên chậm hoặc chưa hỗ trợ đối tượng; cá biệt có nơi vẫn còn tình trạng lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để trục lợi, bị xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.

“Nhiều tỉnh, thành chủ yếu tiến hành thủ công, chưa quan tâm đúng mức sử dụng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào chi trả hỗ trợ nên tình trạng “phát nhầm”, “nhận nhầm” vẫn còn xảy ra…”- Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Với gói 38.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Bộ LĐ-TB&XH cho biết cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thực hiện xong việc gửi thông báo điều chỉnh mức đóng cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,68 triệu lao động, với số tiền khoảng 7.595 tỉ đồng.

BHXH Việt Nam cũng thực hiện hỗ trợ bằng tiền mặt cho gần 10 triệu người lao động tham gia BHTN, với tổng số tiền hơn 23.965 tỉ đồng. “Đây là chính sách chưa có tiền lệ nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong phòng, chống dịch, qua triển khai nhận được sự quan tâm, ủng hộ lớn của đối tượng và dư luận xã hội…”- Bộ LĐ-TB&XH nhận định.

Về tình hình lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho biết đợt dịch vừa qua có khoảng 1,3 triệu lao động từ TP.HCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam về các địa phương. Trong đó, TP.HCM có khoảng 292 nghìn người trở về quê.

Báo cáo mới nhất của TP.HCM và một số tỉnh, thành phía Nam, hiện các doanh nghiệp phục hồi sản xuất khoảng 50-80% công suất, lực lượng lao động phục hồi khoảng 75% so với trước dịch, có địa phương trên 90%.

Qua kiểm tra, có tình trạng thiếu lao động ở nhiều doanh nghiệp, tuy nhiên mức độ thiếu nhìn chung không trầm trọng do các doanh nghiệp khôi phục từng bước, vừa triển khai sản xuất, vừa phải phòng chống dịch, đảm bảo an toàn theo quy định. “Hơn nữa ngay cả khi không có dịch bệnh COVID-19, việc thiếu lao động cục bộ vào cuối năm vẫn xảy ra do doanh nghiệp có nhiều đơn hàng…”- Bộ LĐ-TB&XH cho biết.

Để doanh nghiệp phục hồi sản xuất trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng nhà nước cần có chính sách giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thu một số khoản phí, lệ phí; giảm các khoản đóng quỹ công đoàn, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất… Doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm