LTS: Malaysia và Singapore là hai quốc gia láng giềng có những đột phá về phát triển du lịch đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa. Tác giả Phan Trung Nghĩa đã ghi chép lại những điều học hỏi được trong chuyến tham quan rút tỉa kinh nghiệm của Tỉnh ủy Bạc Liêu gần đây.
Đất nước Malaysia từ trên cao hiện ra xanh rì với những đồi cọ, vườn cao su và rừng nhiệt đới. Đất Malaysia phần lớn là bình nguyên, cao nguyên và biển chứ rất ít đồng bằng. Malaysia rộng suýt soát gần bằng Việt Nam nhưng dân số chỉ có 25 triệu người. Malaysia được nhìn nhận như một trong những đất nước thân thiện và ổn định nhất Đông Nam Á. Nhiều thập niên ổn định chính trị, tăng trưởng bền vững khiến cho Malaysia trở thành một trong những nước giàu có và năng động nhất khu vực.
Làm gãy đổ cây xanh bị phạt bại sản
Thủ đô Kuala Lumpur hiện ra trong mắt chúng tôi với những tòa nhà chọc trời, đại diện của nền văn minh thế kỷ 21. Đó là tòa Tháp Đôi nổi tiếng thế giới, cao gần 500 m. Thế nhưng những khối sắt thép, bê tông ấy được đặt trong cái nền thiên nhiên và văn hóa, tạo ra sự hài hòa đến nhuần nhị giữa văn minh và văn hóa. Đi giữa thủ đô Malaysia mà cứ ngỡ đi giữa một thành phố cổ tích trong rừng đại ngàn với những hàng cây cổ thụ hàng trăm tuổi. Tôi đứng trước tòa Tháp Đôi nổi tiếng mà nghe tiếng quạ kêu một giai điệu thiết tha gợi tình xứ sở của 30-40 năm về trước. Xanh và sạch là ấn tượng đẹp đối với du khách về thành phố này. Việc trồng cây xanh, giữ rừng là một trong những chủ trương phát triển lớn của Malaysia. Thế nên có những chế tài làm ta ngạc nhiên. Nếu ở Bạc Liêu ai làm gãy đổ một cây xanh thì bị phạt, phê bình thì ở Malaysia kể như khuynh gia bại sản. Họ tính cái cây ấy nhập về bao nhiêu tiền, cộng với chi phí trồng tỉa, bón phân, thuê người chăm sóc và hiệu quả của cây ấy khi nó trưởng thành rồi ra giá phạt. Nếu đó là cây quý còn có thể ở tù. Chính sách quyết liệt ấy vừa tỏ ra hiệu quả trước mắt như tôi nói trên, vừa tỏ ra hiệu quả lâu dài.
Khi đoàn chúng tôi được đưa lên thăm cao nguyên Genting, cách Kuala Lumpur hai giờ xe chạy thì cảnh tượng mở ra choáng ngợp đến bất ngờ. Khí hậu của Genting giống như Đà Lạt của ta nhưng toàn bộ bề mặt vỏ đất của nó là rừng nguyên sinh. Ngồi trên toa cáp treo di chuyển lên xuống khách cứ no mắt nhìn những cây cổ thụ lạ lùng, nhìn khu rừng nguyên sinh trùng điệp… Họ giữ rừng đến cỡ có những cây quý chết tự nhiên cũng không cho ai khai thác. Nơi nào có đất trống thì trồng mới, vậy thôi. Cao nguyên Genting thuộc sở hữu của một người Hoa, giàu đứng thứ ba Malaysia. Khoảng thập niên 70 của thế kỷ 20, ông này cho làm đường rồi đưa vật tư lên đỉnh núi để làm một khu vui chơi, đánh bài, nghỉ dưỡng thì nhiều người cười cho rằng ông ta điên. Thế nhưng khi khu vui chơi mở ra thì khách nô nức lên đó vui chơi, nghỉ dưỡng. Không bao lâu đã lấy được vốn. Cái hấp dẫn không cưỡng được của cao nguyên Genting là ngoài một sòng bạc và khách sạn tốt nhất thì nó là khí hậu, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ.
Thế cho nên ta mới thấy việc giữ rừng, trồng cây không chỉ là môi trường sinh thái, sinh cảnh mà nó còn phục vụ tốt cho du lịch.
Thánh đường Hồi giáo Putra ở Malaysia. Ảnh: INTERNET
Một khu di tích do người Anh xây dựng, được bảo tồn ở Malaysia. Ảnh: PTN
Nhà Việt Nam được trưng bày ở Malaysia. Ảnh: PTN
Địa điểm tâm linh thu hút cả thế giới
Malaysia là một đất nước đa dân tộc. Người Malaysia chiếm trên 50% dân số, Trung Quốc chiếm 30%, Ấn Độ chiếm 8%... Đạo Hồi có nguồn gốc từ Ấn Độ sang là tôn giáo lớn nhất, có đến hơn 60% dân số theo đạo Hồi và họ có luật, tòa án Hồi giáo. Cho nên Malaysia có nền văn hóa đa dạng và độc đáo nhất thế giới. Đi giữa đất nước Malaysia cứ nghe dịu dàng giai điệu dân ca Ấn Độ. Đa số phụ nữ thì trùm đầu bằng khăn. Đầu tiên nhìn lạ mắt, sau đó nhìn quen thấy đẹp và dịu dàng như các cô gái Việt Nam đội nón lá.
Đoàn chúng tôi được đưa đến một thành phố mới, nằm kề thủ đô Kuala Lumpur. Đây là thành phố được xây dựng vài chục năm nay và hiện nó được xem là trung tâm hành chính, tiền tệ của Malaysia. Cả đoàn nhìn thành phố mới bằng ánh mắt choáng ngợp. Nó vừa cực kỳ văn minh hiện đại qua những tòa nhà, những dinh thự khổng lồ mà nó cũng cực kỳ bản sắc của văn hóa kiến trúc Hồi giáo, văn hóa Ấn Độ. Đó là những khối hình tròn, vòm tròn, mái cong… như những hoàng cung trong truyện Ngàn lẻ một đêm của ngàn năm trước. Cái văn minh nằm trên nền văn hóa, tạo sự hài hòa để khẳng định những giá trị văn hóa và qua đó làm rõ bản sắc Malaysia. Đây chính là sức mạnh thu hút du lịch của họ.
Một tư duy trong xây dựng phát triển rất hay cần phải nói, đó là khi xây dựng thành phố mới, Malaysia đã chọn công trình tòa hành chính là một công trình to nhất để xây dựng song hành, quy mô to như nhau cùng với xây dựng thánh đường Hồi giáo. Tư duy này tỏ rõ sự chú trọng văn hóa. Khi thánh đường xây xong, nó trở thành một tâm điểm thu hút du khách. Người ta đến không phải để đọc kinh Koran, mà đến để chiêm ngưỡng một địa điểm tâm linh của một tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới.
Malaysia không chỉ chú trọng bảo vệ phát triển văn hóa của mình, mà còn chú trọng đến việc giữ gìn, phát triển cái đa văn hóa của đa dân tộc trên đất nước họ để làm nên bản sắc phong phú của Malaysia. Trong một siêu thị ở cao nguyên Genting, người ta cho xây nhiều ngôi nhà truyền thống của các quốc gia trên thế giới, trong đó có ngôi nhà Việt Nam. Rõ nhất là khi đoàn chúng tôi được đưa đi thăm thành phố cổ của Malacca, cách Kuala Lumpur khoảng 400 km. Thành phố này được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tôi đảm bảo rằng đến nơi này, không cần hướng dẫn viên du lịch thuyết minh, chúng ta có thể hiểu được rằng đã từng có dân Malaysia, dân Anh, dân Trung Quốc, dân Ấn Độ… cư ngụ ở đây nhiều trăm năm.
Kinh doanh hốt bạc nhờ trân trọng văn hóa tâm linh Malaysia có một nghĩa trang cổ với hơn 30.000 ngôi mộ của người Hoa. Mặc dù vài chục năm nay chính quyền không còn cho chôn người chết tại nghĩa trang này nhưng kiểu dáng bia đá của các ngôi mộ của người Hoa vẫn được giữ gìn. Ở đây còn có một pháo đài của người Anh cách mấy trăm năm, nhìn là biết Malacca từng là thuộc địa của Anh quốc. Chúng tôi được dẫn đi xem khu phố Tàu, trên một con đường nhỏ, hai bên là hai dãy nhà người Hoa lợp ngói âm dương, cửa ván. Lẫn trong những dãy nhà ấy là hai ngôi chùa một to, một nhỏ cũng thờ thành hoàng bổn cảnh, Quan Đế thánh quân… Xét về quy mô chùa và nhà thì dãy phố Tàu này không bằng Bạc Liêu và càng thua xa kiến trúc Hội An. Song du khách châu Âu, châu Á cứ lũ lượt kéo đến mà xem, chụp ảnh, quay phim. Cái gốc của vấn đề là ngoài cái văn hóa tâm linh và kiến trúc cổ của Trung Hoa thì những nhà làm du lịch Malaysia biết cách tổ chức buôn bán, sản xuất, văn nghệ… Qua đó, nó trình diễn một cách ngoạn mục đời sống Trung Hoa như làm bánh, bán tạp hóa, thợ đồng, thợ giấy, hát xẩm, nhuộm và dệt vải… Những sản phẩm ấy làm ra được người địa phương bán giá cao kinh khủng. Thế nhưng du khách cứ mua vì họ không mua giá trị vật chất mà mua cái giá trị văn hóa của nó. Đi một vòng là hiểu được văn hóa Trung Hoa, văn hóa Trung Hoa bổ sung làm phong phú thêm nền văn hóa đa sắc tộc của Malaysia. Động Batu cách thủ đô Kuala Lumpur 13 km về phía Bắc. Đây là một hang động đẹp, ẩn trong núi đá vôi. Nơi đây người Malaysia gốc Ấn Độ thờ các vị thần Hinđu giáo của người Ấn Độ. Các nhà hoạch định du lịch Malaysia cứ để cho các hoạt động tôn giáo diễn ra một cách tự nhiên như nó vốn có hàng trăm năm nay. Và cái mà họ thêm vào là giữ gìn và bảo vệ cảnh quan, trồng mới rừng, thả khỉ vào… rồi bày ra các dịch vụ phục vụ du khách. Các dịch vụ này mang màu sắc của văn hóa Ấn Độ như phục vụ trà kéo miễn phí, rồi thắt hoa dâng lễ theo kiểu Ấn Độ, bán quà lưu niệm… Đó là những loại quà biểu tượng là một vị thần thờ tại động Batu. Cách làm này đã biến Batu trở thành một địa điểm du lịch đông khách. Người ta đến để khám phá văn hóa Ấn Độ nhiều hơn đi cầu xin các vị thần. Không biết các vị thần có phù hộ hay không mà lao động quanh vùng Batu có công ăn việc làm và đời sống trở nên sung túc. |