Malaysia phủ nhận việc máy bay bị cướp

Sau sáu ngày huy động nhiều lực lượng, phương tiện tìm kiếm nhưng đến ngày 13-3, Việt Nam và các quốc gia khác vẫn chưa tìm thấy dấu vết chiếc máy bay mất tích.

14-3: Tìm tiếp ở hướng Malaysia - Trung Quốc

Chiều 13-3, Văn phòng UBQG TKCN thông báo các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam chưa phát hiện thấy dấu vết nào của máy bay mất tích của Malaysia. Trong ngày Việt Nam đã điều động năm tàu, bảy máy bay rà soát trên biển và đất liền (khu vực rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ). Ngoài ra còn có ba tàu, ba máy bay nước bạn cũng tham gia tìm kiếm nhưng chưa phát hiện dấu tích nào.

Về thông tin vệ tinh Trung Quốc chụp vật thể lạ nghi là của máy bay mất tích tại vùng biển nằm giữa phía đông bắc Malaysia và phía nam Việt Nam, Văn phòng UBQG TKCN cho biết: Việt Nam đã điều máy bay AN26 đang hoạt động trong khu vực bay dọc đường FIR để quan sát. Cùng thời điểm Malaysia cũng điều phương tiện ra vị trí trên để điều tra nhưng không phát hiện dấu tích hay phát hiện điều gì bất thường tại khu vực này.

 
Đại tá Đỗ Đức Minh, Phó Tham mưu trưởng quân chủng Phòng không - Không quân, đang chỉ dẫn trên bản đồ khu vực tìm kiếm ngày 13-3. Ảnh: X.NGỌC

Chiều cùng ngày, tại Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã chủ trì cuộc họp về kế hoạch tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia trong những ngày tới. Theo đó, trong ngày 14-3, Việt Nam tiếp tục sử dụng ba máy bay, bảy tàu rà soát, tìm kiếm khu vực phía đông đường bay của máy bay mất tích (hướng Malaysia - Trung Quốc) và khu vực DK1. Các lực lượng khác ứng trực 24/24 để sẵn sàng với tình huống mới.

Còn Đại tá Đỗ Đức Minh - Phó Tham mưu trưởng quân chủng Phòng không - Không quân khẳng định không có chuyện dừng công tác tìm kiếm.

Malaysia bác bỏ việc che giấu thông tin

Tại cuộc họp báo chiều tối 13-3, Bộ trưởng Quốc phòng và Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein thông báo chiến dịch tìm kiếm vẫn tập trung ở khu vực biển phía tây và phía đông bán đảo Malaysia.

Về thông tin vệ tinh Trung Quốc phát hiện ba vật thể nổi, Đại sứ quán Trung Quốc thông báo có sai sót trong công bố hình ảnh vệ tinh vì chính phủ chưa phê duyệt. Thông báo khẳng định hình ảnh vệ tinh không cho thấy mảnh vỡ nào từ máy bay.

Giới chức Malaysia đã bác bỏ thông tin nói rằng nước này đang che giấu thông tin do liên quan đến bí mật quân sự. Bộ trưởng Hishammuddin Hussein đã bác bỏ thông tin cảnh sát Malaysia khám xét nhà của các thành viên tổ lái. Ông cũng phủ nhận thông tin về những lời đồn đoán rằng máy bay bị cướp và các hành khách đang bị giam giữ tại một nơi bí mật. Ông cho biết Malaysia đang làm việc với Cơ quan Hàng không dân dụng liên bang Mỹ và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ để điều tra giả thiết máy bay đổi hướng về eo biển Malacca. Ông nói “Malaysia đã chia sẻ dữ liệu radar quân sự với các nước để phối hợp làm rõ, trong đó có Mỹ và Trung Quốc”. Hãng tin Reuters ngày 13-3 đưa tin anh Mike McKay, người New Zealand (công nhân làm việc cho giàn khoan dầu khí Songa Mercur ngoài khơi Vũng Tàu), cho biết anh đã nhìn thấy một máy bay Boeing 777-200 bốc cháy vào sáng 8-3 cách vị trí của anh 50-70 km. Thời gian bốc cháy 10-15 giây. Ngày 12-3, anh đã báo cáo với cơ quan chủ quản là Công ty Dầu khí Nhật Idemitsu.

Không quân Malaysia đã triển khai máy bay tìm kiếm ở vùng biển bang Penang và TP Subang (Malaysia) cũng như vùng biển tỉnh Phuket (Thái Lan) và biển Andaman nhưng không phát hiện được gì. Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo đã chỉ đạo bộ chỉ huy liên quân trên quần đảo Andaman và quần đảo Nicobar ở vịnh Bengal triển khai tàu và máy bay tham gia tìm kiếm.

T.PHÚ - L.LINH - X.NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới