Mang thai hộ không phải là đẻ thuê

LTS:Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) sửa đổi, bổ sung vừa được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến người dân. Trong đó có những vấn đề mới như cho phép mang thai hộ, bổ sung chế định ly thân, thỏa thuận về tài sản giữa vợ và chồng… Nhiều chuyên gia cho rằng những quy định này đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn phát sinh trong những năm qua.

Dự kiến trong tháng 7 dự luật sẽ được trình lên Chính phủ và có thể tháng 10 sẽ trình Quốc hội.

Trên thực tế có những phụ nữ vì nhiều nguyên nhân không thể mang thai nhưng có khả năng nhờ người khác mang thai hộ (MTH) bằng trứng của mình. Thế nhưng pháp luật hiện hành cấm tiệt điều này.

Cứu cánh những tuyệt vọng

Chị A. bị dị tật bẩm sinh không có âm đạo, không có tử cung nhưng có hai buồng trứng. Chị đến BV phụ sản Trung ương làm phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ âm đạo. Sau đó chị lập gia đình, quan hệ tình dục bình thường nhưng không thể có thai vì không có tử cung. Chồng chị là con một. Gia đình chồng nói rằng nếu chị không có con thì phải ly hôn. Chị rất muốn nhờ người khác MTH bằng noãn của chị và tinh trùng của người chồng nhưng không thể thực hiện.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc BV Từ Dũ, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, tâm sự bà không nhớ hết bao nhiêu trường hợp khát khao mong muốn có một đứa con nhưng đành bất lực. “Có một cô thẩm phán bị u xơ đầy kín tử cung. Cứ mỗi lần cô có thai là bị sẩy thai. Trứng của cô rất tốt, tinh trùng của chồng tốt nhưng không thể nhờ người khác MTH. Do chồng là con trai duy nhất trong gia đình nên cuối cùng cô ấy đành chọn cách ly hôn để chồng có con. Tôi thương đứt ruột mà không biết làm sao can thiệp” - bà Phượng kể.

Mang thai hộ không phải là đẻ thuê ảnh 1

Việc cho phép MTH sẽ khắc phục được tình trạng vô sinh, kéo giảm ảnh hưởng chất lượng dân số trong tương lai. Ảnh: INTERNET

Một trường hợp khác, hai vợ chồng là tiến sĩ có uy tín cao, góp nhiều công sức trong việc phát triển thành phố. Họ hết mực yêu thương nhau nhưng cũng vì vợ có bệnh lý ở tử cung nên không thể mang thai. Người chồng rất muốn có một đứa con từ gien của vợ nên nhờ người khác MTH nhưng làm đơn xin hoài không được. Giờ thì họ đã trên 50, vẫn thương yêu nhau nhưng mong muốn lớn nhất là có một đứa con đã không đạt được.

Đối diện với những hoàn cảnh bất hạnh nêu trên. Ngay sau khi Thủ tướng ký ban hành Nghị định 12/2003 nghiêm cấm MTH, bà Phượng đã xin hủy lệnh cấm nhưng không được. Nay dự luật HNGĐ mới nhất đã cho phép MTH vì mục đích nhân đạo. Bà Phượng và các chuyên gia trong ngành y tế mừng vô kể.

Ai được mang thai hộ?

Dự luật dự kiến người MTH phải từ đủ 20 tuổi đến 45 tuổi; có đủ sức khỏe để thụ thai, mang thai và sinh đẻ, không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS, bệnh tâm thần, bệnh truyền nhiễm hay các bệnh di truyền khác.

Về quan hệ giữa người mang thai và vợ chồng nhờ mang thai, dự luật đưa ra hai phương án để người dân góp ý lựa chọn. Một là, người mang thai phải là người có quan hệ thân thích với vợ chồng nhờ mang thai. Người thân thích trong trường hợp này được hiểu là người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời. Hai là, trong trường hợp không có người thân thích để nhờ mang thai thì vợ chồng có thể nhờ người phụ nữ khác mang thai.

7,7% cặp vợ chồng vô sinh trên tổng số các cặp vợ chồng của nước ta (theo số liệu của Tổng cục Dân số).

Theo bà Mai Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM, đây là vấn đề quá mới, lần đầu tiên được đưa vào luật nên cần thận trọng. “Phải đặt đứa trẻ làm trung tâm để giải quyết vấn đề. Nếu người ngoài dòng họ mang thai giùm, lỡ đâu khi người kia đang mang thai vài tháng mà cha mẹ đứa trẻ mất thì làm sao? Trong trường hợp này dự luật xác định người mang thai sẽ là mẹ đứa trẻ. Vì không cùng huyết thống nên e rằng người mẹ này sẽ khó lòng yêu thương đứa con, bấy giờ đứa trẻ sẽ là người thiệt thòi nhất”.

Luật sư Huỳnh Minh Vũ ủng hộ quan điểm này. Theo ông Vũ, luật cần dự liệu hết những trường hợp bất trắc xảy ra, trong đó có tình huống người nuôi đứa trẻ không yêu trẻ vì không cùng huyết thống.

Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng nên chọn phương án hai để mở rộng cửa cho nhiều người có cơ hội có con. “Với những người không có người thân thích có đủ điều kiện để MTH hoặc người thân thích không muốn MTH, chẳng lẽ họ phải chấp nhận bế tắc hay sao? Chắc gì người trong dòng họ có tình cảm với đứa trẻ bằng người bên ngoài” - bác sĩ Đặng Phi Yến, Trưởng phòng Truyền thông giáo dục, Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, nói.

Chỉ có một biện pháp kỹ thuật duy nhất

MTH được hiểu là việc dùng biện pháp kỹ thuật lấy noãn của người phụ nữ và tinh trùng của người đàn ông để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của một phụ nữ khác để người này mang thai và sinh con mà không được trả thù lao. Việc MTH vì mục đích nhân đạo này chỉ áp dụng với những cặp vợ chồng chưa có một đứa con nào mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi đã được áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Việc sinh con bằng biện pháp này phải được thực hiện tại tổ chức y tế cơ sở có thẩm quyền.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, kỹ thuật y tế nêu trên là biện pháp duy nhất trong việc hỗ trợ sinh sản đối với trường hợp MTH, không có cách nào đơn giản hơn.

_____________________________________

Dự luật có nêu: “Người MTH không có quyền yêu cầu bên nhờ MTH hỗ trợ tài sản hoặc thu nhập cho việc mang thai, kể cả hỗ trợ cho việc chăm sóc thai”. Quy định này nhằm tránh trường hợp thương mại. Tuy nhiên, nếu bên nhờ MTH tự nguyện hỗ trợ vật chất thì người MTH vẫn có quyền nhận. Tôi cho rằng đây là bước thận trọng cần thiết của dự luật.

Luật sư NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Theo dự luật, người nhờ MTH là cha mẹ của đứa trẻ. Tuy nhiên, trong trường hợp bên nhờ không còn hoặc không đủ điều kiện để nhận con thì bên mang thai là cha mẹ của đứa trẻ. Nếu bên mang thai không đủ điều kiện để nuôi con thì tòa án chỉ định người giám hộ cho con. Đây là quy định cần thiết để bảo vệ đứa trẻ sau sinh.

Luật sư HUỲNH MINH VŨ, Đoàn Luật sư TP.HCM

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm