Mất trắng vì mua nhà qua vi bằng

(PLO)- Một số người mua nhà đất đang đứng trước nguy cơ mất trắng khi mua chỉ dựa vào văn bản vi bằng được lập trước đó.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số bạn đọc cho biết hiện nay trên các diễn đàn rao bán trực tuyến, các hội nhóm trên mạng xã hội cũng như các cò đất rao bán tràn lan các nhà đất viết giấy tay và hứa hẹn lập vi bằng cho người mua. Rất nhiều người vì ham rẻ, thiếu hiểu biết, nhầm tưởng vi bằng do thừa phát lại (TPL) lập như là một giao dịch mua bán hợp pháp nên đã tin tưởng mua các loại nhà đất này.

Việc mua bán nhà đất thông qua hình thức vi bằng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đa phần nhà đất đó thuộc trường hợp sổ hồng chung, đất đang thế chấp ngân hàng hoặc nhà xây dựng sai phép... Người mua sẽ phải đối mặt với việc nhà đất bị thu hồi, cưỡng chế, không được phép sửa chữa, không thể bán lại...

Vi bằng không có giá trị pháp lý trong giao dịch nhà đất. Vi bằng không có giá trị thay thế văn bản công chứng. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Vi bằng không có giá trị pháp lý trong giao dịch nhà đất. Vi bằng không có giá trị thay thế văn bản công chứng. Ảnh: HỮU ĐĂNG

“Tiền mất tật mang” vì mua nhà vi bằng

Chia sẻ với PV, chị NTHL (ngụ quận 7, TP.HCM) cho biết một năm trước, do có nhu cầu mua nhà ở nên chị được một người quen làm cò đất giới thiệu cho một căn nhà tại phường Phú Thuận, quận 7.

Người này cho hay căn nhà có giá rẻ, khoảng 1,1 tỉ đồng, khi mua sẽ được chủ nhà viết giấy tay và lập vi bằng, cam kết đúng theo quy định pháp luật. Vì thấy rẻ so với giá mặt bằng chung nên chị L đồng ý mua căn nhà này.

Sau khi mua, do tình trạng nhà đã xuống cấp nên chị L muốn sửa chữa lại để ở. Chị có làm đơn xin sửa chữa, mang đầy đủ giấy tờ mua bán và vi bằng đến UBND phường nộp. “Tuy nhiên, khi đến làm việc thì phường thông báo rằng giấy tờ mua bán nhà của tôi không hợp lệ. Việc lập vi bằng cho việc mua bán này chỉ thể hiện việc giao nhận tiền giữa hai bên và theo quy định hiện nay, vi bằng không có giá trị pháp lý trong giao dịch nhà đất, vì vậy tôi không thể sửa chữa nhà.

Sau đó, tôi liên hệ lại với cò đất và chủ nhà để hỏi rõ nhưng không được phản hồi. Hiện căn nhà đã xuống cấp trầm trọng, không thể ở được nên tôi đang rao bán nhưng đến nay không có ai mua. Giờ cả gia đình phải tiếp tục đi ở trọ, nhà đã mua không thể ở. Số tiền dành dụm cả đời kể như mất” - chị L nói.

Tương tự, ông TVU (ngụ quận 7, TP.HCM) cho biết năm 2019 ông có mua một căn nhà tại phường Phú Mỹ, quận 7. Do căn nhà nằm trong dãy nhà kiên cố, đẹp như một dự án phân lô, bán nền nên ông U tin tưởng đây là căn nhà đầy đủ hồ sơ pháp lý, ông đã mua bằng hình thức mua bán lập vi bằng.

“Khi gia đình tôi vào căn nhà này ở vài tháng thì chính quyền địa phương thông báo sẽ cưỡng chế toàn bộ dãy nhà do đã xây không phép trên đất nông nghiệp. Ngay từ lúc mua, cả tôi và các hộ xung quanh đã không tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý nơi đây cũng như việc mua nhà qua vi bằng. Giờ tôi như đang ngồi trên đống lửa vì sắp bị cưỡng chế tháo dỡ, vừa mất nhà vừa mất tiền” - ông U cho hay.

Vi bằng không thể thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. Người dân không nên hiểu nhầm mà trở thành người vi phạm pháp luật hoặc là nạn nhân.

Vi bằng không thể thay thế văn bản công chứng

Trao đổi với PV về vấn đề pháp lý của vi bằng mua bán nhà đất, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Tại Điều 36 Nghị định 08/2020 có quy định về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng. Theo đó, TPL được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc. Đồng thời, vi bằng không thể thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

Vi bằng chỉ là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật…

Điều 37 Nghị định 08/2020 quy định các trường hợp không được lập vi bằng. Chẳng hạn như TPL không được lập vi bằng trong trường hợp xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực. TPL cũng không được lập vi bằng trong trường hợp ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật…

“Những năm trước đây, có một số văn phòng TPL lập vi bằng chứng kiến việc mua bán và giao nhận tiền liên quan đến bất động sản. Về sau, việc lập vi bằng như vậy đã bị một số người dân nhầm tưởng đây là hợp đồng mua bán nhà đất. Từ đó phát sinh nhiều hệ lụy. Chính vì thế, Sở Tư pháp TP.HCM đã có văn bản nhắc tất cả văn phòng TPL trên địa bàn TP về vấn đề này. Cụ thể, TPL không được cố tình lập vi bằng việc mua bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền hoặc lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật” - luật sư Hậu cho biết thêm.

Luật sư Hậu lưu ý: Vi bằng không thể thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. Người dân không nên hiểu nhầm mà trở thành người vi phạm pháp luật hoặc là nạn nhân.•

Thừa phát lại không lập vi bằng mua bán nhà đất

Hiện nay, văn phòng từ chối đối với những khách hàng đến văn phòng để yêu cầu lập vi bằng về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bởi lẽ đây là một trong những trường hợp không được lập vi bằng theo quy định tại khoản 5 Điều 37 Nghị định 08/2020.

Quy định TPL không được lập vi bằng đối với những giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở là hợp lý và cần thiết. Bởi trong Luật Đất đai hiện nay cũng đã quy định rất rõ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập bằng văn bản, được công chứng và phải có giấy tờ hợp lệ. Trong khi đó, vi bằng không có giá trị thay thế văn bản công chứng.

Đại diện một văn phòng TPL ở TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm