Tối 20-4 đã là đêm thứ tư liên tục máy bay ném bom Nga áp sát bờ biển bang Alaska của Mỹ, Foreign Policy dẫn thông tin từ một số quan chức quốc phòng Mỹ ngày 21-4.
Đợt hoạt động này của máy bay ném bom Nga bắt đầu từ tối 17-4. Mỹ phát hiện hai máy bay TU-95 “Bear” gần bờ biển Alaska và triển khai hai máy bay chiến đấu F-22 chặn lại. Tối 18-4, lại có hai chiếc TU-95 “Bear” xuất hiện ở cùng khu vực. Lần này Mỹ triển khai một máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm AWACS E-3 theo dõi. Tối 19-4, Mỹ phát hiện một máy bay tuần tra trên biển và chống tàu ngầm IL-38 của Nga tại cùng khu vực và triển khai một số máy bay chiến đấu ngăn chặn.
Xuất hiện gần bờ biển Alaska tối 20-4 là hai chiếc TU-95 “Bear”. Ngăn chặn lần này bên cạnh một số máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ còn có một số máy bay CS-18 Hornets của Canada. Mỹ và Canada không liên lạc radio với máy bay ném bom Nga và phía Nga cũng không liên lạc với phía Mỹ hay Canada.
Hai máy bay ném bom TU-95 “Bear” của Nga không vào không phận của Mỹ hay Canada, tuy nhiên có bay vào vùng nhận dạng phòng không Bắc Mỹ - kéo dài xa hơn vùng lãnh hải của Mỹ và Cadana.
Máy bay ném bom TU-95 tại căn cứ không quân Engels của Nga. Ảnh: WIKIPEDIA
Những năm qua đụng độ, đối đầu giữa máy bay, tàu chiến Nga với Mỹ và NATO ở các khu vực biển Baltic và biển Đen xảy ra khá thường xuyên. Trên vùng trời biển Baltic, không xa bờ biển các nước thành viên NATO như Estonia, Latvia, Lithuania, máy bay quân sự Nga đã từng bị chặn 110 lần trong năm 2016, có giảm so với 160 lần năm 2015. Tháng 2 vừa rồi, một số máy bay Nga đã tiếp cận tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Porter của Mỹ ở biển Đen.
Tuy nhiên, việc Nga đưa máy bay đến địa điểm gần Alaska của Mỹ thì chưa hề có kể từ năm 2014, một quan chức Mỹ nói với Foreign Policy. Chưa rõ mục đích các chuyến bay này của Nga.
Theo Foreign Policy, đây là một động thái khá bất thường khi Nga từ năm 2015 không hề có hoạt động ở khu vực này. TU-95 “Bear” là loại máy bay ném bom và mang tên lửa chiến lược hoạt động rất thành công. Loại máy bay ném bom này thường bay thành từng cặp. Các chuyến bay áp sát Mỹ này cũng có thể được xem là báo hiệu sự quay trở lại của loại máy bay ném bom hạt nhân đã xuất hiện từ 60 năm trước của Nga trên trường quốc tế, sau khi hạm đội máy bay này bị ngưng hoạt động sau hàng loạt sự cố tai nạn.
Đầu tháng này, máy bay ném bom TU-95 “Bear” và máy bay do thám IL-20 của Nga từng xâm nhập vùng biển cách bờ biển Nhật chỉ khoảng 60 km và Nhật đã triển khai 14 máy bay chiến đấu ngăn chặn. Trước đó, cuối tháng 1, Nhật phát hiện hai máy bay ném bom TU-95 “Bear” của Nga bay vòng quanh lãnh thổ mình.