60 năm trước, ít có chiếc máy bay nào có thể bị nhầm lẫn với máy bay Tupolev Tu-95 “Con gấu” của Liên Xô nhờ vào kích cỡ cực lớn của nó. Cũng ít có loại máy bay nào có thể bay một quãng đường xa khi tải nặng được như Tu-95. Đây chính là lời đáp trả của Liên Xô với pháo đài bay B-52 của Mỹ.
Từ máy bay ném bom hạt nhân thời chiến tranh lạnh
“Con gấu” ra đời từ mong muốn phát triển lực lượng máy bay ném bom chiến lược của Liên Xô có khả năng đáp trả lại Mỹ. Chiếc máy bay bốn động cơ tuốc bin cánh quạt có thể bay một mạch 800 km trong vòng một tiếng đồng hồ khiến nó trở thành máy bay động cơ cánh quạt bay nhanh nhất trong lịch sử.
Không chỉ vậy, Tu-95 có buồng chứa nhiên liệu lớn và có thể bay được hàng ngàn km chỉ bằng lượng nhiên liệu ban đầu. Nhiều cải tiến về khả năng tiêu thụ nhiên liệu về sau còn giúp máy bay tăng cường quãng đường đi được thêm nữa. trong khi các chuyến bay tuần tra trong thời kỳ Chiến tranh lạnh kéo dài thông thường khoảng 10 tiếng đồng hồ thì Tu-95 có thể bay gấp đôi thời gian đó.
Ý tưởng thiết kế ban đầu dành cho Tu-95 khá rõ ràng: Trong trường hợp Mỹ và Liên Xô nổ ra chiến tranh, các phi đội Tu-95 sẽ bay ngang qua vùng Cực Bắc để thả bom hạt nhân xuống Mỹ. Mặc dù nhiều chiếc có thể bị lưới phòng không tiêu diệt, chỉ cần một số chiếc lọt qua là đã đạt kết quả. Tuy vậy, Liên Xô lại không duy trì lực lượng máy bay ném bom hạt nhân thường trực như Mỹ.
Máy bay Tu-95 thả quả bom Tsar Bomba xuống đảo Severny
Ngoài ra, Tu-95 còn được dùng để thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Năm 1961, một chiếc Tu-95V đã thả quả bom Tsar Bomba xuống đảo Severny. Quả bom 50 MT này là thứ vũ khí hạt nhân lớn nhất và mạnh nhất từng được cho nổ. Chiếc máy bay đã may mắn thoát khỏi vụ nổ và quay trở về căn cứ.
Đến nhiều biến thể khác nhau
Đến thập niên 60, Liên Xô nhận định rằng đầu tư vào một lực lượng máy bay ném bom chiến lược nhằm vào Mỹ là một kế hoạch tốn kém. Do đó, nhiều biến thể khác của Tu-95 ra đời nhằm phục vụ cho các nhiệm vụ khác nhau.
Một trong số đó là xây dựng một nền tảng phóng tên lửa hành trình tầm xa. Biến thể Tu-95K có khả năng mang theo 20 tên lửa AS-3 Kangaroo, vốn được chế tạo từ thân máy bay MiG-19.
Ngoài ra, Tu-95 còn được dùng để theo dấu các hạm đội hàng không mẫu hạm Mỹ. Nếu chỉ dựa vào các hệ thống cảm quan, không dễ gì để dò tìm các tàu ngoài khơi. Do vậy, với khả năng bay hàng giờ liền để bao quát các vùng biển rộng lớn, Tu-95 là lựa chọn lý tưởng để tìm kiếm vị trí của các hạm đội Mỹ và theo dấu chúng.
Máy bay F-4 của Hải quân Mỹ hộ tống Tu-95 bay qua chiến hạm Kitty Hawk. (Nguồn: Hải quân Mỹ)
Từ nhu cầu đó, mẫu T-95RT ra đời, được trang bị radar tìm kiếm bề mặt chuyên dùng cho trinh sát hàng hải. Mẫu này còn được dùng trong chiến tranh tâm lý nhằm tạo ra nỗi sợ bị tấn công từ trên không trong các đơn vị Hải quân của Mỹ. Các máy bay của Hải quân thường phải cất cánh để đuổi chiếc Tu-95 đi. Những bức ảnh về các vụ giáp mặt trên không như vậy đã trở thành biểu tượng của thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Bên cạnh đó, Tu-95 còn có nhiều biến thể thử nghiệm khác, bao gồm Tu-95LAL sử dụng năng lượng từ lò phản ứng hạt nhân, hay Tu-95K được thiết kế để chuyên chở và triển khai máy bay MiG-19 ngay trên không.
Vẫn giữ vững vị thế
Trong thế kỷ XXI, Tu-95 vẫn còn được sử dụng trong khu vực Thái Bình Dương và Đại Tây Dương với nhiệm vụ chủ yếu là đi thăm dò xung quanh các quốc gia khác.
Đã có nhiều chuyến bay Tu-95 được phát hiện gần bờ biển Anh, California, khu vực ADIZ trên Alaska và cả trong không phận Nhật Bản. Tuy nhiên, trong phần lớn thời gian, chúng không thực sự xâm phạm không phận nước ngoài.
Năm 2007, Tổng thống Putin đã cho phục hồi các chuyến bay tuần tra trong thời Chiến tranh Lạnh, mục đích có thể nhằm nhắc cho các nước khác rằng Nga vẫn còn khả năng đưa máy bay ném bom hạt nhân đến gần không phận của họ nếu nước này muốn vậy.
Những bức ảnh về các vụ giáp mặt trên không đã trở thành biểu tượng của thời kỳ Chiến tranh lạnh. (Nguồn: Hải quân Mỹ)
Tuy vậy, với động cơ tuốc bin có tiếng ồn lớn đến mức tàu ngầm bên dưới có thể nhận ra được, “Gấu Nga” hoàn toàn không thể ẩn mình trước các hệ thống phòng không hiện đại. Dù vậy, nếu đó là nền tảng phóng tên lửa hành trình thì máy bay sẽ không cần phải đến gần các khu vực phòng không như vậy.
Vào cuối năm 2015, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố đoạn phim ghi lại cảnh máy bay Tu-95 phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu tại Syria. Đây là lần đầu tiên Nga triển khai các nền tảng phóng tên lửa hành trình dưới biển và trên không và được xem là cơ hội để biểu diễn năng lực quân sự của nước này.
Ngày nay, quân đội Nga đã sở hữu nhiều loại máy bay ném bom có khả năng mang nặng hơn và bay nhanh hơn Tu-95. Tuy vậy, Tu-95 vẫn đáp ứng được các nhiệm vụ được giao như chở tên lửa hành trình hay thăm dò các vùng biển.