Tu-22M3 ném bom xuống các mục tiêu IS ở Syria. Ảnh:Sputnik |
Trong các cuộc không kích của Nga vào mục tiêu phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) hôm 18-11, các máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Blackjack và Tu-95MS đóng vai trò nổi bật nhưng máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 Backfire mới là chủ lực được sử dụng phần lớn trong các vụ tấn công.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết một phi đội máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 đã không kích sáu căn cứ của IS ở tỉnh Raqqa và Deir-ez-Zor, tiêu diệt "các kho vũ khí và đạn dược, căn cứ quân sự, các trại huấn luyện và xưởng chế tạo chất nổ của IS".
Các đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy Tu-22M3 đang thả bom OFAB 250-270, những loại bom không dẫn đường có sức công phá lớn để diệt IS. Tuy nhiên, chiếc oanh tạc cơ này ban đầu được thiết kế để tấn công các cụm tàu sân bay Mỹ ở Đại Tây Dương hay các mục tiêu có giá trị cao của NATO ở châu Âu thời Chiến tranh Lạnh.
Tu-22M3 là phiên bản cuối cùng của dòng Backfire hiện vẫn đang phục vụ trong không quân Nga. Được phát triển từ dòng Tu-22 kém tinh vi hơn rất nhiều, Tu-22M là sự lột xác hoàn toàn về thiết kế.
Theo cục thiết kế Tupolev, nguyên mẫu đầu tiên của phiên bản M3 hiện nay bay lần đầu ngày 20-6-1977 và bắt đầu được sản xuất năm 1978. Tập đoàn sản xuất máy bay Kazan đã chế tạo tổng số gần 500 biến thể Backfire khác nhau.
Khi Tu-22M3 được đưa vào biên chế, nó đã khiến hải quân Mỹ rất bất an do chúng được thiết kế để mang theo một lượng lớn các tên lửa hành trình diệt hạm tầm xa. Tu-22M3 bay rất nhanh, tốc độ tối đa của nó là Mach 1,88 (2.322 km/giờ) và chủ yếu bay ở tốc độ Mach 1,6 (1.976 km/giờ) để gia tăng tuổi thọ.
Tu-22M3 từng được coi là sát thủ diệt tàu sân bay đáng gờm đối với Mỹ.Ảnh:Vadim |
Dù có kích thước nhỏ hơn Tu-160 và Tu-95, chiếc oanh tạc cơ này vẫn có thể chở theo gần 24 tấn vũ khí. Đáng chú ý là Tu-22M3 có thể mang theo 10 tên lửa diệt hạm Kh-15 hoặc ba tên lửa Raduga Kh-22, cả hai loại tên lửa này đều có thể đạt vận tốc bay khoảng Mach 5,0 (khoảng 6.25 km/giờ).
Tên lửa Kh-22 nặng 5.850 kg cực kỳ đáng sợ bởi tầm bắn của nó lên tới 512 km và đầu đạn nổ lõm nặng 990 kg có thể tiêu diệt hoặc làm hư hỏng nặng tàu sân bay của Mỹ ngay sau đòn trúng đích đầu tiên.
Tu-22M3 cũng mang theo các loại bom không dẫn đường thông thường gồm 20 bom FAB-250 hoặc 8 bom FAB-1500. Dunarit - công ty sản xuất các loại bom OFAB-250-270, cho biết "vũ khí này dùng để phá hủy các cơ sở công nghiệp, quân sự, nút giao thông đường sắt, sinh lực địch trên địa hình trống trải và các loại xe bọc thép hạng nhẹ, xe tải đang hành quân".
Theo chuyên gia Dave Majumdar của National Interest, khi Tu-22M3 ra đời, Mỹ không hề có bất cứ loại máy bay nào tương đương về tính năng và vai trò. Loại tiệm cận nhất mà Mỹ có thể đem ra so sánh là B-1B Lancer, vốn đã bị gỡ bỏ chức năng tấn công hạt nhân thời hậu Chiến tranh Lạnh. Một loại máy khác có vai trò tương tự là biến thể ném bom chiến lược đã bị cho về hưu FB-111.
Nhiều khả năng chiến dịch không kích ở Syria là màn trình diễn cuối cùng của Tu-22M3, bởi nó sẽ sớm được thay thế bởi máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới PAK-DA hoặc thậm chí là Tu-160M2, biến thể sẽ được Nga tái sản xuất năm 2023.
Theo Duy Sơn (Vnexpress)