Không quân Pháp nhận các nhiệm vụ chủ yếu là tiêu diệt các trung tâm chỉ huy, kho đạn và trại lính của phiến quân. Động thái hiện nay của Pháp tương tự như lúc xảy ra vụ khủng bố tại tòa soạn Charlie Hebdo.
Đây cũng là dịp máy bay Rafale của Pháp chiếm lại thế thượng phong trong cuộc chiến chống khủng bố này. Máy bay tiêm kích Rafale do Pháp sản xuất là máy bay tiêm kích đa nhiệm gồm không đối không, không đối đất và đánh chặn. Rafale có thể đạt tới tốc độ 1380 km/giờ và bay cao tới 15 km.
Rafale là máy bay tiêm kích hai động cơ có khả năng tiếp nhiên liệu trên không bằng hệ thống và mang theo tối đa chín tấn vũ khí gồm các tên lửa đối không MICA có cả tính năng tầm nhiệt lẫn radar chủ động. Ngoài ra Rafale còn có thể mang theo tên lửa đối không tầm xa METEOR hoặc tên lửa tầm xa SCALP, tên lửa chống hạm AM39 EXOCET cũng như bom dẫn đường bằng laser.
Máy bay Rafale tại căn cứ ở UAE chuẩn bị cất cánh đến Raqqa, Syria
Rafale có hai phiên bản một người ngồi và hai người ngồi. Cả hai phiên bản đều có lắp súng 30 mm NEXTER 30M791 có tốc độ bắn 2.500 viên đạn mỗi phút.
Đến nay, hãng sản xuất Dassault Aviation đã bán cho Bộ quốc phòng Pháp 180 chiếc Dassault, trong đó Không quân có 63 chiếc Rafale mẫu B hai ghế ngồi và 69 chiếc Rafale mẫu C một ghế ngồi. Hải quân Pháp được 48 chiếc Rafale M phiên bản dùng trên tàu sân bay có một ghế ngồi.
Trước đây, Pháp đã triển khai lực lượng Rafale tại Libya, Afghanistan, Iraq, Mali va Cộng hòa Trung Phi. Rafale cũng được chính phủ Ai Cập và UAE ưa thích và được mua bổ sung cho không quân của mình.
Nhiều báo cáo cho biết hiện Pháp đã triển khai chín chiếc Rafale tại các căn cứ ở UAE và sáu chiếc Mirage ở Jordan. Bên cạnh đó, hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle của nước này cũng đang hướng về Trung Đông, đem theo đó là 20 chiếc máy bay chiến đấu để bổ sung cho lực lượng tại đây.