Mẹ tâm thần lượm ve chai nuôi con

Tôi đến nhà Mỏng đang lúc chị bận rộn với một đống ngổn ngang chai lọ, giẻ lau, thành quả của nhiều ngày đi lượm ve chai.

Chăm con như các bà mẹ bình thường

Mỏng lôi ra một bọc nylon đựng chùm bông nhựa, có lẽ là bông trang trí cổng đám cưới, cài lên mái đầu bù xù của mình. Mỏng gọi con gái Nguyễn Thị Thoại Mẫn ra xem: “Đẹp không nè con, giống cô dâu không nè con?”. Bé Mẫn chạy ra, dỗ mẹ: “Đẹp rồi, mẹ đưa bông đây cho con”. Một lúc sau, bé Mẫn quay qua tôi: “Cô chụp ảnh mẹ con cho thiệt đẹp nha, đừng chụp xấu tội nghiệp mẹ”. Nghe vậy, Mỏng vội đứng thẳng người, cười thiệt tươi để chụp ảnh.

Hễ đi đâu về tới nhà, Mỏng lại quấn lấy con, tâm tình đủ chuyện mà chẳng có chuyện nào ra đầu ra đũa. Hỏi hôm nay đi lượm ve chai ở đâu, Mỏng không nhớ. Hỏi bán được bao nhiêu tiền, Mỏng nói: “Chắc vài trăm, vài triệu gì đó”. Bé Mẫn phải đỡ lời: “Mẹ con không biết tính tiền, mẹ lượm mọi thứ mang về nhà, con lựa ra rồi gọi người ta tới mua”.

Mỏng trả lời câu nào cũng tưng tửng nhưng khi tôi hỏi có bé Mẫn trong trường hợp nào, Mỏng tỉnh táo hẳn: “Hồi đó em đi lang thang, có người mua cho em hộp cơm rồi xin ngủ với em. Sau bữa đó em có bầu bé Mẫn”.


Thành quả sau nhiều ngày đi lượm ve chai của Mỏng. Ảnh : H.MINH 

 
Mỏng thích thắt bím tóc cho con. Ảnh: H.MINH

Mỏng có con, ai cũng thương và lo lắng cho chị. Cô Ba (Nguyễn Thị Lan) của Mỏng nói: “Nó còn chưa lo được thân nó, thấy nó mang bầu mà tội đứa bé đứt ruột”. Nhưng thật diệu kỳ, Mỏng bị bệnh nhưng lại rất biết thương con. Mỏng chăm con, yêu con cũng như những bà mẹ khác. Trước khi có con, Mỏng hay nói lảm nhảm và đi lang thang, ai cho gì ăn nấy. Có con rồi, Mỏng bỗng dưng biết đi lượm ve chai để kiếm tiền nuôi con. Có hôm Mỏng đi tới 1 giờ đêm mới về với một bao đầy ắp. Đổ ra, thấy đủ thứ linh tinh: chai nhựa, búp bê, giẻ rách, túi rách…

Mỏng không phân biệt được cái gì bán được, cái gì không bán được. Nhưng Mỏng cứ mải miết đi, mải miết lượm. Có lúc Mỏng tâm tư như người tỉnh: “Em biết mình bị bệnh mà, đâu ai dám gọi em làm việc gì. Nhưng em ráng lượm ve chai bán kiếm tiền lo cho con học để bằng với người ta”.

Mỏng tỉ mẩn ngồi thắt bím tóc cho con. Mỏng cũng biết làm nhiều kiểu tóc, biết cột nơ đủ kiểu. Chỉ những đồ cài tóc, cột tóc của con, Mỏng khoe: “Có cái người ta cho, có cái em vô tiệm mua về cho con”.

Chị Võ Thị Mỹ Linh, tiểu thương chợ Cầy Xiêng (gần nhà Mỏng), nói: “Nó có biết mua bán gì đâu nhưng ai cũng thương nên người ta cho thêm chứ chưa ai ăn bớt của nó một đồng. Ở đây nhiều người để dành ve chai cho nó”.

Trong những câu chuyện không đầu không cuối, Mỏng kể: “Có nhiều người khen em đẹp, kêu em đi theo người ta. Em đi theo rồi nhưng nhớ tới bé Mẫn nên về nhà”.

“Mẹ bỏ em nhưng em không bỏ con em…”

Sống trong một hoàn cảnh đặc biệt như vậy nhưng bé Thoại Mẫn lại là một đứa trẻ rất lễ phép. Mẫn nói: “Con thương mẹ con lắm. Con ráng học giỏi để mai này làm cô giáo”.

Thoại Mẫn đang học lớp 5B Trường Tiểu học Cầy Xiêng. Cô giáo chủ nhiệm Đỗ Thị Hồng Gấm nhận xét: “Thoại Mẫn viết chữ rất đẹp, ngoan ngoãn, ham học. Em học khá, mấy năm liền là học sinh tiên tiến, em chỉ hơi nhút nhát”.

Sau nhiều lần trò chuyện, khi đã thân quen, bé Mẫn lấy cho tôi xem cuốn album gia đình. Trong một bức ảnh có người đàn ông, thấy dòng chữ bé Mẫn viết bên cạnh: “Mẫn yêu ba mẹ”. Lật tới bức ảnh đó, bé Mẫn im lặng rất lâu. Bà Nguyễn Thị Lan, cô ruột của Mỏng, kể người đó bị vợ bỏ, thấy anh ta hiền lành nên bà mong muốn anh về làm ba của bé Mẫn. Anh đồng ý nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, anh ta bỏ đi. Bé Mẫn xem hình, vẫn gọi người đó bằng ba, thỉnh thoảng kể với bạn bè về ba mẹ và khoảng thời gian “ba chưa đi làm xa”.

Bé Mẫn khá gầy ốm so với bạn bè cùng trang lứa. Bữa ăn của Mẫn thường chỉ có cơm và canh, thỉnh thoảng mới có thêm chút cá. Thế nhưng Mẫn không buồn mà càng thương mẹ hơn. Mẫn kể: “Có hôm mẹ đi tới khuya chưa về, con ra cửa chờ mẹ đến khóc luôn…”.

Bà Lan cho biết: Mỏng khờ khạo từ nhỏ, lên năm tuổi bị ba mẹ bỏ rơi nên càng lớn càng bệnh nặng. Mỏng ở với bà nội và cô từ đó. Năm 21 tuổi, Mỏng phải đi BV Tâm thần Biên Hòa chữa bệnh mấy lần. Lúc đó, bà Lan đi nấu ăn cho người ta nên còn có tiền trang trải trong nhà, lo bệnh cho cháu. Nay bà bị gai cột sống, tuổi cao sức yếu nên không còn đi làm được nữa.

Ở chung nhà còn có bà nội của Mỏng, bé Mẫn gọi bằng bà cố, năm nay đã 91 tuổi, bị điếc và lẫn. Trong căn nhà tuềnh toàng, bốn người phụ nữ nhỏ bé dựa vào nhau, lay lắt qua ngày.

Một hội từ thiện cho gia đình Mỏng mỗi tháng 10 kg gạo. Anh em, họ hàng Mỏng thỉnh thoảng ghé thăm cho thêm chút đỉnh nhưng ai cũng nghèo nên “viện trợ” nhiều lắm cũng chỉ chừng 100.000 đồng. Hôm nào bán được ve chai, bữa ăn của gia đình mới được cải thiện đôi chút. Bà Lan cho biết: “Hôm nào có con cá, tui để một phần cho bà già, một phần cho bé Mẫn. Tui chỉ ăn cơm với canh. Còn con Mỏng đi lượm ve chai, gặp gì ăn đó, người ta vẫn hay cho nó đồ ăn”.

Thường thì người bị bệnh tâm thần không biết khóc, không biết buồn, không biết nhớ về những chuyện đã qua. Nhưng Mỏng vẫn hay khóc, nhớ rất lâu và nói như người tỉnh: “Mẹ em bỏ em, nhiều đêm em vẫn nằm khóc. Em không bao giờ bỏ con em để nó khóc đâu”.

HỒNG MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới