Với hơn 133 triệu USD kinh phí đã bỏ ra để rà soát lòng biển, hơn 88.000 km2 biển được rà soát kỹ lưỡng, cuộc truy lùng số phận chuyến bay MH370 đã trở thành chiến dịch phức tạp nhất trong lịch sử ngành hàng không. Sự phức tạp này không dừng ở việc biến mất quá bí ẩn của chiếc máy bay, ở quy mô và mức độ tinh vi của chiến dịch tìm kiếm mà còn ở cả những nỗi lo và nỗi đau không hồi kết của người thân các nạn nhân.
Hai phương án bồi thường
Đã hai năm kể từ ngày chiếc máy bay thương mại Boeing 777 số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MA) chở 227 hành khách và phi hành đoàn 12 người mất tích khi đang trên đường từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc). Đối với người thân hành khách, sự kiện ngày 8-3-2014 vừa làm họ đau đớn về cảm xúc, vừa khiến họ chịu áp lực về vấn đề bồi thường.
Trong ngày 8-3 năm nay, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai một lần nữa nhắc nhở người thân nạn nhân nộp đơn yêu cầu bồi thường trước khi hết hạn. Ông cũng cho biết đã yêu cầu hãng Malaysia Airlines đẩy tiến độ bồi thường nhanh nhất có thể. Hãng máy bay này cũng tuyên bố bảo đảm người thân nạn nhân được bồi thường công bằng và thích hợp. Vì điều này, số lượng yêu cầu bồi thường hãng nhận được trong mấy ngày qua nhiều bất thường so với trước đó.
Báo Malaysia Online (Malaysia) cho biết trong ngày 7-3 tổng cộng người thân của 32 nạn nhân đã nộp đơn yêu cầu hãng Malaysia Airlines bồi thường. Cùng ngày, nhiều người thân hành khách ở Trung Quốc, Úc, Mỹ đã đến nộp đơn yêu cầu bồi thường lên tòa án. Trước đó, ngày 4-3, người thân của 12 nạn nhân đã đệ đơn lên tòa án Kuala Lumpur yêu cầu hãng Malaysia Airlines bồi thường tổn thất tinh thần, mất mát thu nhập từ việc mất người thân chứ không chọn yêu cầu hãng bồi thường một lần.
Giá trị bồi thường cho mỗi hành khách đi trên chuyến bay này khoảng 160.000 USD, bất kể lỗi vụ việc có thuộc về Malaysia Airlines hay không. Nếu người thân nạn nhân quyết định đòi bồi thường cao hơn mức này thì phải thương lượng trực tiếp với hãng hàng không hoặc nộp đơn lên tòa án.
Người thân nạn nhân có thể chọn một trong hai hình thức đòi bồi thường. Một là yêu cầu Malaysia Airlines bồi thường một lần. Hai là yêu cầu hãng bồi thường tổn thất tinh thần, mất mát thu nhập từ việc không còn người thân và sẽ tìm kiếm bồi thường lần nữa khi vụ việc được làm sáng tỏ.
Hãng hàng không này cũng cho biết đến thời điểm này đã có người thân của 118 hành khách gửi đơn yêu cầu bồi thường một lần và hãng đã giải quyết bồi thường cho người thân 42 hành khách. Mức bồi thường trung bình là 175.000 USD/nạn nhân. Những người đã nhận bồi thường thì sau này sẽ không được yêu cầu bồi thường nữa khi vụ việc được làm sáng tỏ, bất cứ vì lý do gì như lỗi bất cẩn của hãng hay do phá hoại.
Hai năm sau vụ mất tích của MH370, người thân của các nạn nhân vẫn không yên bởi quá trình bồi thường phức tạp. Ảnh: REUTERS
Niềm hy vọng tìm thấy MH370 ngày một mong manh. Ảnh: IBTIMES
Nhiều nghi vấn về Malaysia Airlines
Theo tổ chức Voice370 - hỗ trợ người thân nạn nhân, vấn đề bồi thường đang làm đau đầu người thân các nạn nhân vì việc tái cấu trúc hãng MA. Tổ chức Voice370 chỉ trích chính phủ Malaysia cố tình tái cơ cấu hãng hàng không này để tránh né trách nhiệm bồi thường và rất có khả năng người thân các nạn nhân sẽ chỉ nhận được bồi thường rất ít, thậm chí chẳng được gì cả. Malaysia Airlines vốn đã ở trong tình trạng thâm hụt tài chính trước khi xảy ra vụ chiếc MH370 mất tích và chiếc MH17 bị bắn rơi ở Ukraine vài tháng sau đó.
Trong năm 2015, chính phủ Malaysia đã gây sức ép để Quốc hội nước này thông qua đạo luật cho phép chuyển gã khổng lồ của ngành hàng không quốc gia thành một công ty tư nhân. Thế nhưng theo tổ chức Voice370, quá trình chuyển đổi này không nêu rõ việc “thừa kế” các trách nhiệm về MH370 mà doanh nghiệp cũ đang gánh vác. Các gia đình của những nạn nhân cũng không được xác định là cổ đông của hãng hàng không sau khi nó được tư nhân hóa.
Thay vào đó, một điều phối viên sẽ được chỉ định để giám sát những trách nhiệm tài chính mà hãng máy bay này sẽ gánh chịu. Mọi yêu cầu liên quan đến các vấn đề của hãng Malaysia Airlines trước khi tư nhân hóa nếu muốn được thực thi đều phải có sự thông qua của người điều phối viên này. Mohammad Faiz Azmi, người được chỉ định làm điều phối viên, khẳng định rằng chính sách bảo hiểm của hãng sẽ đáp ứng yêu cầu bồi thường cho người thân các nạn nhân chuyến bay MH370. Ông cũng cố gắng trấn an mọi người rằng đích thân ông đã phê duyệt 96 đơn kiến nghị từ các thân nhân để bắt đầu các quy trình bồi thường và chưa có một lá đơn kiến nghị nào bị từ chối.
Dẫu thế, người thân của những hành khách có mặt trên chuyến bay MH370 vẫn tỏ vẻ hoài nghi và lo lắng trước quá trình “hóa thân” của hãng hàng không Malaysia. Trả lời phỏng vấn của tờ IBTimes (Anh), con gái của một phụ nữ có mặt trên chuyến bay xấu số Malaysia cho biết: “Chỉ riêng việc phải xin phép hãng bay để được đệ đơn đòi bồi thường đã là một điều quá đáng. Không những thế, Malaysia Airlines gần như không thay đổi gì cả. Vẫn hãng hàng không đó, những chiếc máy bay đó, vẫn logo hoạt động đó. Hãng bay chỉ thay đổi thương hiệu của mình. Những điều này khiến chúng tôi không khỏi hoài nghi về động cơ thực sự của phía Malaysia”. Theo IBTimes, quá trình tái cấu trúc hãng hàng không này đang làm dấy lên nghi vấn Malaysia còn giấu giếm những thông tin quan trọng nhằm hạn chế các nghĩa vụ tài chính của hãng hàng không quốc gia.
Một bộ phận không nhỏ người thân nạn nhân vẫn chưa thể thuyết phục mình tin người thân đi trên chiếc MH370 đã chết. Theo hãng tin AP (Mỹ), hai năm nay gần như mỗi ngày bà Dai Shuqin, 62 tuổi, đều đón xe buýt đến văn phòng hãng MH ở Bắc Kinh để gửi một bức thư viết tay cùng một nội dung: “Hãy nói sự thật với chúng tôi và đưa người thân chúng tôi quay lại”. Bà Dai Shuqin vẫn chưa thể tin em gái và bốn người thân khác đã chết trong vụ chiếc MH370 mất tích. “Hai năm nay tôi không thể ngủ, tôi không thể vượt qua chuyện này được”.
Bí ẩn lớn nhưng vẫn còn hy vọng
Tính đến nay, cuộc săn lùng tung tích của chuyến bay MH370 đã trở thành cuộc tìm kiếm phức tạp nhất trong lịch sử hàng không thế giới. Hoạt động rà soát đáy biển của chiến dịch đã tiêu tốn hơn 133 triệu USD và sẽ còn tăng thêm nữa. Đã có hơn 88.000 km2 trong tổng số 119.000 km2 diện tích biển trong kế hoạch được tiến hành rà soát. Thế nhưng vẫn không có bất kỳ một manh mối nào của chiếc Boeing 777 được tìm thấy. Người ta chỉ mới phát hiện một số mảnh vỡ tại đảo Reunion của Pháp và bờ biển Mozambique. Chỉ bấy nhiêu thôi vẫn chưa đủ để phá tan lớp màn bí ẩn bao quanh chuyến bay MH370.
Dẫu vậy, cơ quan của Úc dẫn đầu cuộc săn tìm chuyến bay MH370 vẫn tự tin cho rằng “ngày càng có thêm khả năng” tìm thấy chuyến bay mất tích trong các khu vực tìm kiếm còn lại. Lực lượng tìm kiếm chiếc Boeing 777 vẫn đang chạy đua với thời gian, cố gắng tìm ra một tung tích dù là nhỏ nhất của chiếc máy bay trước khi chạm hạn chót của cuộc tìm kiếm là cuối tháng 6-2016.
Ông Martin Dolan, Giám đốc Cục An toàn giao thông của Úc, vẫn tỏ ra lạc quan rằng chiếc máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia có thể được tìm thấy trong khu vực rà soát còn sót lại - ngoài khơi bờ biển phía tây nước Úc. “Vẫn còn nhiều khu vực có độ ưu tiên cao nhưng vẫn chưa được rà soát đến. Chúng tôi vẫn tự tin rằng khu vực chúng tôi đang rà soát là nơi có khả năng máy bay rơi cao nhất. Chúng tôi sẽ tìm thấy họ” - ông Dolan tự tin trả lời tờ Telegraph.
Tuy nhiên, ông Dolan cũng phải sẵn sàng chấp nhận sự thật cay đắng rằng việc truy lùng MH370 vẫn sẽ phải kết thúc khi đến hạn chót của chiến dịch, dẫu cho chiếc máy bay vẫn không được tìm thấy.
“Những chính phủ hiện đang tài trợ cho cuộc tìm kiếm của chúng tôi (gồm Malaysia, Úc và Trung Quốc) đã yêu cầu cuộc tìm kiếm dừng lại nếu như không thể xác định vị trí máy bay trong khu vực tìm kiếm hiện nay” - ông Dolan nói.