Miền Tây tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên trở lại trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ ngày 1-10, cả nước có nhiều chính sách mới trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Một trong những vấn đề được người dân quan tâm là việc tính toán cho học sinh - sinh viên (HS - SV) trở lại trường học, nhất là các HS - SV bị kẹt ở các địa phương.

Quận, huyện sẽ cấp giấy

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết những trường hợp là HS - SV ở tỉnh, thành khác đang bị kẹt ở Cần Thơ muốn về lại tỉnh, thành của mình để học tập thì Cần Thơ luôn tạo điều kiện cho họ về.

Cụ thể, theo ông Trường, người dân chỉ cần làm đơn xin rời khỏi TP với lý do về quê học tập. Đơn có xác nhận của phường, xã nơi đang sống ở Cần Thơ, sau đó chủ tịch UBND quận, huyện hoặc Công an TP sẽ cấp giấy cho người dân.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Hoàng Dũng cho biết những người hiện đang bị kẹt ở Hậu Giang, có nhu cầu về các tỉnh, TP để đi học, đi làm… thì đến liên hệ với địa phương nơi cư trú.

“Bà con có thể đến UBND các huyện, thị xã, TP để trình bày lý do, sau đó các địa phương sẽ chuyển thông tin về tỉnh. Chúng tôi sẽ có văn bản gửi các nơi để tạo điều kiện cho bà con rời tỉnh để đi học, đi làm…” - ông Dũng nói.

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết hiện tỉnh chuẩn bị công tác tiêm vaccine cho các đối tượng là SV đang cư trú trên địa bàn tỉnh có nhu cầu quay lại các tỉnh, TP tiếp tục việc học tập.

“Qua rà soát ban đầu, có khoảng 2.000 SV đang cư trú trên địa bàn tỉnh theo học tại các tỉnh, thành. Tỉnh ưu tiên tiêm cho đối tượng này để tạo điều kiện thuận lợi cho các em khi muốn trở lại học, còn chưa thì các em cũng có vaccine trong người; đồng thời tỉnh cũng tạo điều kiện về giấy đi đường để các em di chuyển khi có lệnh triệu tập học của các trường” - ông Hẳn thông tin.

Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất để HS - SV trở lại các địa phương học tập.

“Hiện tỉnh chưa tiếp nhận trường hợp nào yêu cầu hỗ trợ các em trở lại các tỉnh, thành tiếp tục học tập. Nếu có yêu cầu thì tỉnh cũng có hướng dẫn, tạo điều kiện, hỗ trợ cấp giấy đi đường cho các em” - ông Phước cho hay.

Học sinh Trường Tiểu học Thực hành Sài Gòn trong một giờ học online.
Ảnh: PHCC

TP.HCM: Học sinh tiếp tục học trực tuyến sau 30-9

Tiếp tục tổ chức dạy, học gián tiếp, trên môi trường Internet, qua truyền hình. Từng bước củng cố các điều kiện để có thể kết hợp dạy - học trực tiếp đối với giáo viên, HS.

Các loại hình đào tạo cho người đã được tiêm đủ liều vaccine, có thể dạy - học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định.

Bố trí các hoạt động lệch ca, lệch giờ, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, giãn cách tối đa, đảm bảo giới hạn về số người tập trung theo quy định.

Chỉ thị của UBND TP.HCM
sau ngày 1-10

Cần phối hợp để nơi đến chấp thuận

TS Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, cho biết đối với SV đang bị kẹt ở Tiền Giang hoặc SV ở Tiền Giang có nguyện vọng đi học tại các trường nghề, cao đẳng, đại học ở các tỉnh, thành khác sẽ cần sự phối hợp giữa các trường và các tỉnh để các em thuận tiện trong việc di chuyển.

“Các trường cao đẳng, đại học gửi danh sách, địa chỉ của SV về Sở GD&ĐT tỉnh. Khi đó sở sẽ tổng hợp gửi về UBND tỉnh để có văn bản gửi cho các sở GTVT, công an các tỉnh hỗ trợ các em SV này qua các chốt kiểm soát” - giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang nói.

Với tỉnh Vĩnh Long, bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh này, cho biết hiện tỉnh đang thực hiện kế hoạch đón các công dân từ TP.HCM về để ổn định cuộc sống, trong đó ưu tiên trẻ em và HS từ lớp 12 trở xuống. Còn HS - SV muốn quay lại các tỉnh, thành khác tiếp tục học tập thì tỉnh cũng tạo điều kiện cho các em đi nếu địa phương nơi đến chấp thuận. “Tỉnh Cà Mau vẫn chưa có chủ trương cụ thể riêng đối với giáo viên, HS - SV xuất nhập tỉnh. Mọi người vẫn phải thực hiện quy định chung” - ông Nguyễn Đức Thánh, người phát ngôn UBND tỉnh Cà Mau, trả lời.

Còn ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, thì cho hay: “Hiện sở đang tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện cho HS Cà Mau còn kẹt ở ngoài tỉnh quay về. Sau khi cách ly y tế theo quy định, các em được quay lại học bình thường. Sở sẽ có văn bản tham mưu chính thức đến lãnh đạo tỉnh vào thứ Sáu này. Còn với HS - SV muốn rời tỉnh thì tạo điều kiện cho đi. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào tỉnh, thành nơi đến quy định thế nào”.

Nam Trung bộ chưa có phương án

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho hay hiện nay, nếu phụ huynh từ TP.HCM về Khánh Hòa đón con em bị kẹt tại đây trở lại TP.HCM thì thực hiện cách ly y tế đối với người đến từ vùng có dịch. Nếu người đó đã tiêm hai mũi vaccine, khi đến Khánh Hòa sẽ được xét nghiệm PCR, rồi cách ly tập trung bảy ngày, sau đó cách ly tại nơi lưu trú bảy ngày. Hiện tỉnh Khánh Hòa chưa có quy định đối với người về đón rồi đi ngay. Sắp tới, tỉnh sẽ có quy định cụ thể đối với những trường hợp cụ thể này.

Tương tự, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Định, Phú Yên cho biết phụ huynh từ TP.HCM về đón con, em đều phải thực hiện các quy định đối với người đến vùng đang có dịch. Đó là phải cách ly tập trung bảy ngày, sau đó cách ly tại nơi lưu trú bảy ngày. Các tỉnh này đều chưa có quy định đối với các trường hợp riêng biệt. Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Định, nếu tổ chức đưa - đón tập trung một lần nhiều HS đang bị kẹt tại Bình Định trở lại TP.HCM thì cần có cơ quan chức năng ở TP.HCM làm đầu mối, phối hợp với cơ quan chức năng tại Bình Định giống như các tỉnh đón HS từ TP.HCM về quê.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đều nói tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển HS trở lại TP.HCM sau thời gian học tạm tại các tỉnh. HS sẽ được các trường xác nhận thời gian, kết quả học tập. Còn việc đưa đón HS trở lại thì thực hiện theo quy định về phòng chống dịch của ngành y tế.

Phụ huynh rối bời khi con bị kẹt ở quê khá lâu

Nhiều gia đình hè đến gửi con về quê chơi ít tuần để thay đổi không khí. Không ngờ dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp, con bị kẹt suốt mấy tháng trời.

Việc học online ở quê cũng không hiệu quả, xa cha mẹ lâu ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý các bé. Vì thế, nhiều gia đình ở TP mong sớm được tạo điều kiện đón con trở lại.

Chị Nguyễn Thu Dịu, sống ở TP Thủ Đức, có hai con đang ở TP Vũng Tàu theo học online với trường ở TP. Hiện dịch tại nhiều khu vực của TP đã được kiểm soát, vợ chồng chị Dịu đều tiêm đủ hai mũi vaccine, lại có phương tiện cá nhân. Vì thế, gia đình chị hy vọng sẽ sớm được đón con trở lại, bởi việc học online của các con ở quê gặp nhiều khó khăn. Ông bà đã lớn tuổi, không rành về công nghệ, không kèm cặp được nên phải đưa hai bé qua nhà cô để học. Hơn nữa, xa gia đình lâu ngày, ít nhiều các bé cũng bị ảnh hưởng tâm lý.

“Ngày nào con cũng gọi hỏi khi nào ba mẹ về đón lên TP. Bản thân tôi cũng sốt ruột nhưng chỉ biết động viện con khi nào TP cho đi lại thì ba mẹ sẽ về đón” - chị Dịu tâm sự.

Cùng tâm trạng với chị Dịu, anh Võ Lâm, sống tại TP Thủ Đức, cũng hy vọng sớm được đi lại để đón con về TP. Từ giữa tháng 6, anh cho hai bé về nhà ông bà nội ở Đồng Nai tránh dịch và con phải ở đến giờ.

Hiện tại bé lớp 4 đang học trực tuyến qua điện thoại nhưng không có sách vở. Ông bà lại già yếu, không thể kèm cặp. Vì thế, mỗi ngày vợ anh Lâm đều phải gọi điện thoại hướng dẫn lại cho con. “Tình hình này cứ kéo dài mãi không ổn. Vợ chồng tôi đã có thẻ xanh. Tôi hy vọng sớm được cho phép đi lại giữa các tỉnh để về quê đón hai con” - anh Lâm nói thêm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm