Theo báo cáo, tính đến hết tháng 9-2018, vẫn còn 4.124 lối đi tự mở (đã giảm 138 vị trí so với thời điểm cuối năm 2017). Một số tỉnh khu vực miền Trung còn nhiều lối đi tự mở là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Bình Định... Các lối đi tự mở nếu không được cảnh giới sẽ có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Tại buổi sơ kết, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cho biết Luật Đường sắt 2017 và văn bản dưới luật đã quy định rõ trách nhiệm của địa phương trong xử lý thu hẹp, quản lý, xóa bỏ lối đi tự mở. Do đó mỗi địa phương cần chủ động thực hiện các giải pháp, bao gồm cả nguồn kinh phí.
Về giải pháp tạm thời, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, gợi ý nếu địa phương chưa có kinh phí cho tổ chức cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ gây mất an toàn giao thông thì có thể đầu tư thiết bị hỗ trợ cảnh báo, gia tăng sự chú ý của người dân khi đi qua đường sắt.