Dân chủ hóa nền kinh tế, minh bạch thông tin là hai điểm nhấn quan trọng trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ, hướng đến nền kinh tế thị trường.
Để thực hiện được thông điệp trên, mô hình hợp tác công tư (PPP) sẽ là một trong những giải pháp “thử lửa” mang tính trọng tâm trong năm 2014. Vậy yếu tố dân chủ, minh bạch trong mô hình PPP sẽ được xây dựng dựa trên những nguyên tắc nào?
Mô hình PPP được hiểu nôm na là sự kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân nhằm xây dựng và phát triển các dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông công cộng… nâng cao môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Ngân sách đầu tư cần được dân hỗ trợ
Mới đây, ông Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết trong vòng 10 năm tới đây, để đạt được mức tăng trưởng như mong muốn thì Việt Nam cần khoảng 167 tỉ USD tiền tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, 50% tổng nguồn vốn trên xuất phát từ túi tiền của Chính phủ.
Cầu Bình Triệu (TP.HCM) là một trong những công trình mang dấu ấn công-tư. Ảnh: MH
Thông tin từ Bộ KH&ĐT cho thấy tổng nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam còn cao hơn, tương đương 110-115 tỉ USD. Con số này có thể tăng gấp hai lần, lên đến 300 tỉ USD vào năm 2020.
Riêng tại TP.HCM, mới đây khi phát biểu trên báo Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết dưới áp lực về hạ tầng, kỹ thuật phục vụ cho hơn 10 triệu dân, một mình ngân sách TP là đuối sức. Theo đó, ngân sách TP chỉ có thể đáp ứng 30% tổng vốn nhu cầu.
Thực tế ngân sách nhà nước trong những năm gần đây trở nên eo hẹp do tình hình thu-chi gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể áp lực nợ công ngày càng đè nặng. Sự lệch nhau giữa nhu cầu và năng lực đòi hỏi Chính phủ phải tìm đến “thuốc trợ lực” để tái cân bằng cán cân ngân sách-chi tiêu công.
Nhìn ra thế giới, không chỉ các quốc gia đang phát triển mà nhiều nước vốn “mạnh tiền nhiều của” như Anh, Nhật cũng thừa nhận rằng để phát triển kinh tế, một tay của Chính phủ là không thể đáp ứng. Nhu cầu phát triển hạ tầng, đường sá, công trình công cộng, năng lượng, giáo dục… để xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn đòi hỏi một nguồn vốn lớn và cần có sự hợp tác theo mô thức “cả hai cùng thắng” (win-win) giữa Chính phủ và người dân. Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy liều thuốc tăng lực có hiệu quả trong dài hạn chính là yếu tố tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp (DN) tư nhân nội địa và DN nước ngoài (FDI).
Công bằng để nâng cao năng lực tư nhân
Nhận thức được vai trò của tư nhân trong tiến trình dân chủ hóa nền kinh tế là đã có được một “viên gạch” quan trọng. Tuy nhiên, để xây được căn nhà lớn vững chãi, buộc người kiến trúc sư - ở đây là Chính phủ - phải tạo ra chất hồ kết dính. Trong chất hồ này không gì quan trọng bằng tính pháp quyền (dùng luật định, chính sách để thu hút, quản lý đầu tư).
Yếu tố pháp quyền trong hợp tác PPP hiện chưa đủ mạnh để xây dựng niềm tin cho người dân. Môi trường pháp lý, các cơ chế khuyến khích đầu tư tại Việt Nam vẫn còn chung chung, nhiều kẽ hở và rủi ro, khó kiểm soát, thiếu sự ưu tiên cần thiết cho người dân để họ quyết định chung tay với Nhà nước. Điển hình là nhiều DN khi muốn đầu tư tại Việt Nam đều vấp phải vấn đề giải tỏa để có đất làm dự án. Nhà đầu tư thừa nhận rất khó có đất sạch để an tâm đầu tư, dự toán rủi ro, mạnh tay trong phát triển và mở rộng dự án.
Trong khi đó, nhiều DN nhà nước vẫn nắm giữ những phần quan trọng, thuộc nhiều lĩnh vực thiết yếu như xây dựng, viễn thông, năng lượng… Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh từng nhận định các ngành kinh tế thế mạnh đều do DN nhà nước nắm giữ. Nếu nói ngành năng lượng “nhạy cảm” thì đúng nhưng ngành xây dựng mà DN nhà nước cũng bao thầu luôn thì rõ ràng cánh cửa cho nhà đầu tư tư nhân là rất hẹp.
Điều này cho thấy lỗ hổng về pháp quyền, thiếu công bằng trong ứng xử với loại hình DN tư nhân. Thêm nữa, công cuộc cổ phần hóa DN nhà nước vẫn diễn ra ì ạch.
Minh bạch để người dân tin tưởng
Đỉnh thứ ba trong tam giác cải cách kinh tế chính là tính minh bạch. Yêu cầu về minh bạch trong đầu tư PPP là yếu tố quan trọng, nhằm kiểm chứng những cam kết giữa Nhà nước và tư nhân. Nếu cam kết được ban bố rộng rãi và quá trình thực hiện cam kết được giám sát bằng hệ thống thông tin minh bạch thì niềm tin giữa hai đối tác công-tư sẽ được bền vững.
Thực tế, mãi đến cuối năm 2013, phát ngôn của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh về minh bạch trong đầu tư công mới phần nào cởi trói cho sự lo lắng, khơi dậy niềm tin của nhà đầu tư.
Phát biểu tại Văn phòng Chính phủ ngày 21-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra những yêu cầu về tính minh bạch và giải trình minh bạch của các cơ quan cấp bộ đối với người dân. Thủ tướng nhấn mạnh thông tin phải nhanh, kịp thời, chính xác, không giấu giếm những yếu kém và giải trình khi dân có yêu cầu.
Câu hỏi đặt ra là quan hệ PPP cần minh bạch những gì? Các nội dung trong hợp đồng, các thông tin về đấu thầu, nguồn vốn, lộ trình đầu tư và khai thác, cách thức giải quyết các tranh chấp hợp đồng, chất lượng công trình đầu tư, lộ trình và quy định giải tỏa đất, chính sách cung cấp đất sạch cho các nhà đầu tư… đều phải được giám sát, báo cáo đúng và đầy đủ.
Nếu làm đúng yêu cầu minh bạch theo đặc trưng của mô hình PPP và tinh thần minh bạch của Thủ tướng, có lẽ PPP sẽ sớm trở thành trung tâm của bộ ba dân chủ-pháp quyền-minh bạch. Khi đó, mục tiêu về hạ tầng, môi trường đầu tư, năng lực DN tư nhân và cao hơn là sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia trước dòng chảy mậu dịch tự do (FTAs) sẽ trở nên mạnh hơn, bền vững hơn.
ĐỖ THIỆN
PPP nhìn từ kinh nghiệm Nhật Bản Ở Nhật Bản, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời được các DN tư nhân sản xuất, bán lại cho nhà máy phân phối điện với giá hỗ trợ lên đến 30%-40% trong vòng 10 năm, thậm chí là 20 năm. Nhiều DN tư nhân tháo chạy khỏi các dự án lớn Nhà máy điện mặt trời ở Củ Chi với tổng vốn đầu tư theo kế hoạch là 2 tỉ USD, được Tập đoàn First Solar (Mỹ) xây dựng năm 2011 nhưng đã dừng hoạt động vào năm 2012, đến nay chưa có dấu hiệu tái đầu tư. Mới đây, Công ty Thép Tata Steel (Ấn Độ) tuyên bố rút vốn sau bảy năm hợp tác với Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) mà chưa có giấy chứng nhận đầu tư. Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) vừa đề nghị chấm dứt hợp đồng trong dự án nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ Chu Lai-Trường Hải (Quảng Nam) do vướng cơ chế, dự án thi công chậm chạp. Dự án xếp hàng chờ Nhà nước - tư nhân bắt tay Hàng loạt dự án trong lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật, năng lượng tại TP.HCM đang chờ cơ chế của Nhà nước và nguồn vốn của tư nhân như dự án khu đô thị Thủ Thiêm; dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài, tỉnh lộ 10B và tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh); dự án cầu Kinh Thanh Đa (quận Bình Thạnh), cầu Rạch Tra (huyện Hóc Môn, Củ Chi)… |