Mô hình chính quyền đô thị: Phường xin 1 triệu cũng không cho

(PLO)- Thí điểm mô hình chính quyền đô thị, quận, phường tại Đà Nẵng gặp khó về các vấn đề tài chính ngân sách.

Chiều 24-8, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị sơ kết một năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) theo Nghị quyết 119 của Quốc hội.

Xin kinh phí hỗ trợ là bị gạt

Đó là phản ánh của ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) tại hội nghị. Theo ông Dũng, trong mô hình CQĐT, phường trở thành cấp dự toán nên không còn nguồn tăng thu, kết dư ngân sách để chủ động bổ sung dự toán phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

“Đợt dịch sốt xuất huyết vừa rồi, phường hỗ trợ trạm y tế phường hơn 1 triệu đồng thôi nhưng khi lên kho bạc kê khai thì kho bạc gạt ra. Kho bạc cho rằng cái này phải ghi vào danh mục chi là y tế chứ không được ghi vào mục chi khác, mà mục y tế TP duyệt chi một năm chỉ được 10 triệu đồng, rất khó khăn”, ông Dũng dẫn chứng.

Hội nghị sơ kết một năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, kể rằng trước đây mỗi năm quận chi khoảng 3,5 tỉ đồng để đi thăm các gia đình chính sách. Nhưng khi triển khai CQĐT, quận đi thăm các Mẹ Việt Nam Anh Hùng vào dịp 27-7 thì không có tiền riêng của quận cho các Mẹ nữa.

“Hàng năm 27-7, Chủ tịch nước cho các Mẹ 1 triệu đồng, TP cho 1 triệu đồng thì quận cũng phải cho 1 triệu đồng từ ngân sách của quận rót ra đi thăm. Giờ quận thành cấp dự toán, trình lên thì Sở Tài chính nói có các cấp trên cho rồi, không được duyệt chi nữa”, ông Hòa nói.

Chính quyền năng động hơn

Bên cạnh những bất cập trong lĩnh vực tài chính ngân sách, các lãnh đạo quận, phường tham dự hội nghị đều đánh giá mô hình CQĐT vẫn có rất nhiều mặt thuận lợi.

Ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, cho rằng quận rất chủ động trong công tác tổ chức biên chế, điều động, luân chuyển cán bộ từ quận đến phường và ngược lại. Trước đây, để làm việc này thì quận cần nhiều thời gian và phải lấy ý kiến của Sở Nội vụ mới thực hiện được.

Một số lãnh đạo phường cũng đánh giá việc tổ chức bộ máy quản lý tinh gọn hơn, tiết kiệm chi thường xuyên. Tính năng động trong điều hành của chính quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu UBND phường được nâng cao.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, mục tiêu của mô hình CQĐT là nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên cơ sở đảm bảo các quy định pháp luật. Trong một năm qua, những nội dung này cơ bản thực hiện tốt, một số nội dung đạt hiệu quả cao.

Ông Chinh yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai những nội dung công việc mà Nghị quyết 119 đã nêu ra. Trong quá trình làm nếu phát hiện ra những gì còn chồng chéo, bất cập thì đề xuất TP giải quyết theo thẩm quyền, hoặc TP báo cáo Trung ương xem xét nếu vượt thẩm quyền.

Chủ tịch Đà Nẵng đề nghị Sở Tài chính làm việc trực tiếp với các địa phương để xây dựng dự toán cụ thể trên tinh thần đảm bảo được nguồn kinh phí tối thiểu cho địa phương thực hiện các nhiệm vụ chính trị và phát sinh khác.

Ngoài ra, ông Chinh cũng đề nghị cấp quận, phường tổ chức hội nghị sơ kết để đánh giá lại toàn diện một năm thực hiện thí điểm mô hình CQĐT để có cái nhìn toàn diện nhất về những mặt được và chưa được.

Ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê), cho hay đang có tâm lý so sánh giữa công chức thuộc ba khối của phường là Đảng, đoàn thể và khối UBND phường.

“Trong mô hình CQĐT, công chức UBND phường được điều chuyển thành công chức cấp quận, trong khi công chức Đảng, đoàn thể của phường vẫn là công chức cấp phường. Việc này nảy sinh tâm lý so sánh giữa các công chức với nhau”, ông Dũng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới