Trong tuần qua, BV ĐH Y Dược cho biết nơi đây đã tiếp nhận trung bình 6.200 bệnh nhân/ngày, tăng 17% so với bình thường.
Các bác sĩ khuyến cáo, vào mùa mưa người dân nên chủ động đề phòng và có biện pháp bảo vệ sức khỏe hợp lý, cẩn thận với những loại bệnh được xem là “đặc hiệu” đầu mùa mưa.
Bệnh về đường hô hấp
Theo ThS-BS Hoàng Đình Hữu Hạnh, Trung tâm Chăm sóc hô hấp BV ĐH Y Dược TP.HCM, khi thời tiết thay đổi chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa là thời gian tạo điều kiện cho vi trùng, virus sinh trưởng mạnh, dễ tấn công vào hệ hô hấp của mọi người. Người dân thường sẽ bị cảm sốt, nhức người, ho đàm… hay đối tượng đang có những bệnh mãn tính về hô hấp thì càng dễ bị các bệnh như nhiễm trùng hô hấp trên, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi ở người lớn tuổi.
ThS BS Hoàng Đình Hữu Hạnh - Trung tâm Chăm sóc Hô hấp BV ĐH Y Dược TP.HCM (ẢNH: H.A)
Từng đối tượng, từng lứa tuổi sẽ có những cơ địa khác nhau, vì vậy bệnh hô hấp chủ yếu xuất hiện ở những đối tượng sau:
- Trẻ nhỏ: đối tượng mà hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh dễ bị virus, vi khuẩn tấn công gây ra các bệnh về hô hấp.
- Người lớn tuổi: đối tượng có hệ miễn dịch đã suy yếu, khi chuyển mùa như vậy vừa phải thích ứng với thay đổi của thời tiết, vừa phải chống đỡ các virus, vi khuẩn.
- Phụ nữ có thai: Đây cũng là đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu, dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi.
- Đối tượng thường mắc các bệnh này nhất là những người dân sống ở vùng ô nhiễm, khu công nghiệp, vùng núi cao, vùng ở trên cao - nơi có không khí lạnh. Khi đó, người dân phải thích ứng với sự thay đổi của thời tiết. Và khi thay đổi thời tiết đột ngột thì cũng có thể làm cho người dân bị bệnh.
ThS-BS Hoàng Đình Hữu Hạnh khuyến cáo: Nhằm chuẩn bị ứng phó với giai đoạn giao mùa mỗi người cần có những biện pháp tăng cường hệ miễn dịch như chích ngừa cảm cúm (chích vào tháng 3, tháng 4 để phòng ngừa cảm cúm vào mùa mưa và chích vào tháng 9 hay tháng 10 để phòng ngừa mùa lạnh), chích ngừa viêm phổi, có những khẩu phần ăn phù hợp (vitamin, hoa quả, trái cây, các loại rau xanh, hải sản…). Giữ ấm cơ thể để cơ thể không bị cảm lạnh. Đối với những loại viêm nặng nề hơn như viêm phế quản hay viêm phổi thì người bệnh cần phải khám bác sĩ để có chẩn đoán đúng, từ đó sẽ có các loại thuốc phù hợp.
Xương khớp lên tiếng khi chuyển mùa
Thời điểm giao mùa, ngoài các bộ phận về hô hấp, những bệnh về xương khớp đang là nỗi ám ảnh của rất nhiều người bệnh, đặc biệt là người lớn tuổi, trung niên..
Theo thống kê, hơn 90% người bệnh đến khám tại khoa Chấn thương chỉnh hình BV ĐH Y Dược TP.HCM luôn than phiền về bệnh đau khớp. Trong đó triệu chứng đau là hậu quả của quá trình viêm khớp, thoái hóa khớp. Người bệnh luôn cảm thấy đau nhức ở các khớp như ở khớp tay, khớp đầu gối, khớp vai hay khớp háng. Không những đau, các khớp còn bị sưng, khó vận động đặc biệt là sáng sớm trời lạnh. Dĩ nhiên, thoái hóa khớp không phân biệt vùng miền, nhưng thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh nhiều hơn nam giới, những người đã và đang lao động cực nhọc thì càng dễ mắc bệnh lý này.
Theo TS-BS Bùi Hồng Thiên Khanh - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết cùng với mưa, lũ, gió lạnh, chuyển mùa… thời tiết chuyển lạnh khiến các mạch máu ngoại vi co lại và làm giảm cung cấp máu cho các cơ quan ngoại biên trong đó có da, cơ, khớp gây các triệu chứng như đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng.
Lời khuyên tốt nhất cho mọi người để phòng bệnh này trong mùa mưa đó là bạn nên luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày. Luyện tập được xem như một liều thuốc quý, rất có ích đối với sức khỏe con người và đặc biệt cực kỳ công hiệu trong việc giảm đau nhức. Ngoài ra, bạn cần thiết kế cho bản thân một chế độ ăn uống hợp lý như thực phẩm giàu vitamin C và E, canxi, uống thật nhiều nước để duy trì độ trơn tru giữa các khớp, hai ly sữa mỗi ngày và mỗi tuần ăn hai bữa tôm cua để phòng tránh loãng xương, một nguyên nhân thường đi kèm thoái hóa khớp gây đau nhức.
Bên cạnh đó, việc điều trị cho những người bệnh đau nhức khớp này có hai phương pháp: Thứ nhất là điều trị không dùng thuốc như nghỉ ngơi hợp lý, chườm đá vùng sưng viêm, tập vật lý trị liệu lấy lại chức năng. Thứ hai có thể kết hợp với dùng thuốc nếu đau nhiều như: thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, giảm co cứng cơ. Tuy nhiên dùng thuốc có thể bị tác dụng phụ của thuốc như tăng men gan, đau dạ dày hay chóng mặt lừ đừ…