Theo đó, năm thủ tục lĩnh vực quốc tịch được sửa đổi bao gồm: Thủ tục cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam; thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam; thủ tục trở lại quốc tịch Việt Nam ở trong nước; thủ tục cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam ở trong nước; thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho người Lào được phép cư trú tại các huyện của Việt Nam tiếp giáp với Lào.
Thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam cụ thể như sau:
Người nước ngoài và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam tại Sở Tư pháp nơi cư trú.
Thời gian giải quyết là 115 ngày và lệ phí là 3 triệu đồng. Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, người có hoàn cảnh khó khăn có xác nhận của UBND xã nơi cư trú sẽ được miễn lệ phí.
Thành phần hồ sơ gồm (ba bộ) gồm: Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam; bản sao giấy khai sinh, hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế; bản khai lý lịch;
Phiếu lý lịch tư pháp (được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ);
Giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt. Trong trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam khai báo biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam nhưng không có một trong các giấy tờ nêu trên, thì Sở Tư pháp tổ chức phỏng vấn trực tiếp để kiểm tra trình độ;
Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam (bản sao thẻ thường trú);
Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam (giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản; giấy xác nhận mức lương hoặc thu nhập...);
Trường hợp con chưa thành niên xin nhập quốc tịch Việt Nam cùng cha mẹ thì phải nộp bản sao giấy khai sinh của người con chưa thành niên hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Trường hợp chỉ cha hoặc mẹ nhập quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sinh sống cùng người đó nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì còn phải nộp văn bản thỏa thuận của cha mẹ về việc nhập quốc tịch Việt Nam cho con.