Mong con giỏi tiếng nước non mình

(PLO)- “Có lẽ tôi lạc hậu, hay có lẽ tại tôi đắm đuối quá mức với tiếng nói của cha ông nên trong lòng tôi tiếng Việt bao giờ cũng hay quá chừng, gợi cảm quá chừng”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Có lẽ do nỗi lo âu từ thời sinh viên, khi tôi phải đi làm gia sư để dạy tiếng Việt cho những đứa bé 100% Việt Nam, được sinh ra và đang lớn lên tại Việt Nam nhưng giỏi tiếng Anh như người bản xứ, còn tiếng Việt thì đã hết cấp I rồi vẫn còn chưa lưu loát. Sau này, khi được giảng dạy trong trường ĐH thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn, tôi lại tiếp tục bắt gặp những câu văn tiếng Việt ngô nghê, chưa sạch nước cả về chính tả và ngữ pháp, ý tưởng nghèo nàn, từ ngữ khô cằn… của sinh viên. Tôi nhiều lần bực dọc, ngơ ngẩn rồi tự hỏi: Sao vậy, tại sao người Việt, sinh ra ngay trên đất Việt, được nghe, được nói, được học tiếng Việt từ lúc mới sinh ra cho đến tận ĐH mà vẫn diễn đạt hết sức kém cỏi ngay cả khi dùng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình?

Cho đến khi chứng kiến con mình chơi đùa cùng các bạn Việt Nam ở những trường học theo chương trình quốc tế, tôi thấy được nhiều bạn nhỏ là người Việt nhưng chỉ tự tin khi nói tiếng Anh, chạm đến tiếng Việt là lúng túng, ngượng nghịu, không thể bày tỏ bằng lời hết được các vấn đề về nhu cầu cảm xúc, tinh thần… Lúc ấy tôi mới nhận ra nguyên nhân rất lớn từ phía gia đình, đã không coi trọng tiếng mẹ đẻ và ngay từ thơ bé đã không rèn tiếng Việt cho con, không truyền vào con lòng yêu tiếng Việt, coi việc giỏi tiếng Anh mới là mục tiêu chính của việc học tập và thành đạt sau này.

Có lẽ tôi lạc hậu, hay có lẽ tại tôi đắm đuối quá mức với tiếng nói của cha ông nên trong lòng tôi tiếng Việt bao giờ cũng hay quá chừng, gợi cảm quá chừng. Cái hay của âm thanh, cái gợi của hình ảnh trong từng con chữ tiếng Việt… diễn đạt sao cho hết bây giờ? Có lẽ nào chúng ta được sinh ra ngay trên đất nước này lại không thể nói cho tròn vành rõ chữ tiếng nói của mẹ cha mình cho từ ngày thơ bé. Như nhạc sĩ Phạm Duy đã từng không thể dằn lòng mà thổ lộ: “Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi/ Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi”. Thứ tiếng nói thiêng liêng của tổ tiên, dân tộc sao có thể không hóa tiếng lòng và hòa vào linh hồn ta như máu thịt cho được?

Từ thuở còn thơ ta được nghe lời mẹ ru ầu ơ bên cánh võng, tao nôi, lời thủ thỉ vỗ về của mẹ là những ca từ tiếng Việt đẹp xinh đầu tiên ta được nghe trong cuộc đời mình: “Con ơi, con ngủ cho ngon/ Con ơi, con ngủ cho tròn giấc thơ”. Những lời bằng ca dao mà mẹ hát là thứ tiếng Việt mộc mạc, đơn sơ mà đong đầy tình thương con và tình yêu quê hương, xứ sở. Mẹ gửi vào trong ấy tình yêu của người đàn bà nước Việt trung hậu, đảm đang, giàu đức hy sinh và yêu nước thương nòi: “Thương chi bằng nỗi thương con/ Nhớ chi bằng nỗi nước non quê nhà”. Lời ru của mẹ còn là lời tâm tình hiếu kính với hiền nhân đi trước, lời biết ơn với những tiền nhân đã đổ bao xương máu cho từng tấc đất quê hương, giữ gìn và dựng xây cho con cháu ngày sau một cuộc đời tự do, no ấm của một dân tộc có chủ quyền, có lãnh thổ quốc gia: “Con ơi, con ngủ cho lành/ Ông Mai Hắc Đế xây thành Vạn An”.

Lòng yêu tiếng Việt ấy, không chỉ được ươm mầm trong lời mẹ ru con ngủ, mà các thi sĩ còn thay nhau bày tỏ về tình yêu ấy trong những lời thơ, câu hát của mình. Đối với thi sĩ Lưu Quang Vũ, tiếng Việt chính là “Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm” và cũng chính là “Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa”.

Chỉ giản dị vậy thôi, tiếng Việt chính là tiếng của mẹ, là lời của cha, là thứ âm thanh mà ta được nghe ngay từ khi mới được hoài thai và cũng là âm thanh đầu tiên mà ta phát ra khi “chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói”.

Tôi yêu văn chương từ thuở còn thơ có lẽ cũng bắt đầu từ những câu ca dao trong lời ru của mẹ hay những câu thơ Kiều trong lời cha ngâm ru tôi ngủ. Rồi lớn lên, tình yêu tiếng Việt cứ dần dần ngấm vào tôi như máu thịt, tôi say sưa với vẻ đẹp của những ngôn từ lúc thì lấp lánh, dịu dàng, lúc thì trần trụi, xót xa. Khi chọn theo nghề giáo, tôi luôn có ý thức khơi gợi lên trong lòng học trò của mình tình yêu tiếng nói quê hương, bắt đầu bằng sự hiểu rõ, hiểu sâu những tầng nghĩa tinh tế đằng sau bề mặt ngôn từ.

42-Mong-con.jpg

Thế hệ con tôi, những đứa bé dù không muốn cũng sẽ phải trở thành công dân toàn cầu khi học tập và giao tiếp bằng ngoại ngữ đã trở thành một việc mà con phải thực hiện hằng ngày. Tôi chỉ lo con sõi tiếng Anh mà không rành tiếng Việt, chỉ lo con không thể nói về quê hương mình bằng thứ tiếng Việt tròn vành rõ chữ.

Mai này con đi muôn nơi, cống hiến năng lực của mình cho nhân loại rộng lớn ngoài kia. Chỉ mong sao tiếng nói của cha ông luôn là sợi dây nối liền cánh diều con đang tung bay với nền văn hóa bao đời của quê hương, xứ sở. Có quê hương làm điểm tựa, con sẽ tự tin rằng con luôn có một nơi đầy ắp yêu thương để thuộc về, có sợi dây níu giữ, cánh diều con sẽ tự tin no gió chao liệng trong thế giới mênh mông muôn sắc ngoài kia mà không sợ mình lạc lối. Và để mai này cho dù đang ở bất kỳ đâu, lòng con luôn biết thổn thức khi bất chợt nghe quanh mình tiếng nói của quê hương: “Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết/ Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi/ Như vị muối chung lòng biển mặn/ Như dòng sông thương mến chảy muôn đời”.

Ơ hay, thời đại 4.0 rồi, sao tôi cứ mãi là một bà mẹ nhà quê? Một bà mẹ mong con giỏi tiếng nước non mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm