Một cựu chiến binh lâm cảnh khó khăn

Từ trung tâm xã Long Thuận (huyện Bến Cầu, Tây Ninh) vào nhà ông Nguyễn Văn Suôl phải chạy đường đất vòng vèo, rồi gửi xe lội đường bờ ruộng mấp mô cả cây số mới tới được. Nằm cuối ấp Hưng Long, gần cây cột mốc biên giới số 164, từ nhà ông, chỉ vài bước chân nữa là qua Campuchia.

Biến cố sau 35 năm

Ngồi giữa đống đổ nát của căn nhà vừa bị cháy, ông Suôl cố lục lọi tìm những vật dụng còn sót lại. Chỉ còn vài chiếc đinh, một chiếc liềm cháy cán và những tấm tôn cong vênh.

Ông Suôl kể: “Bữa đó là 18-6, tui vừa đi chăn nghé, vừa coi công nhổ mì cho người ta, bỗng dưng thấy ở nhà có khói bốc lên. Tui chạy về múc được mấy xô nước nhưng cứu không kịp. Nhà có chiếc xe máy vợ tôi đi nuôi bò rẽ cho người ta bốn năm mới mua được, giờ cháy còn cái khung. Mấy triệu dành dụm cho bả đi chữa bệnh cũng cháy hết. Tui với bả kiếm bọc tiền, moi ra nó xốp thành tro…”. Nói tới đây, ông lặng lẽ khóc.

Ông Suôl giữa căn nhà cháy - tài sản dành dụm sau 35 năm làm mướn. Ảnh: H.MINH

Tài sản sau 35 năm tích cóp của ông chỉ có nhiêu đó, nay đã cháy rụi. Căn nhà gạch tường cao chưa tới 2 m đó, ông dành dụm mãi mới đủ 7 triệu đồng mua gạch, cát, xi măng. Còn lại gỗ, kèo, tôn đều là đồ cũ do anh em họ hàng cho. Căn nhà tôn thấp lè tè, nóng rát nên ban ngày đi làm mướn, ông ra gốc cây nghỉ tránh nắng. Chỉ có buổi tối hoặc trời mưa, vợ chồng ông mới chạy vào nhà. Từ khi nhà bị cháy, vợ ông về ở với con trai, còn ông đi làm mướn, tối về ở đậu nhà một người họ hàng trong ấp.

Vợ ông Suôl, bà Nguyễn Thị Tuồng trong một lần đi hái trâm bán, đã bị té gãy đốt sống cổ. Sức khỏe của bà sau tai nạn đó đã giảm sút rất nhiều nhưng bà vẫn ráng đi hái bầu, bẻ ớt thuê. Chỉ khi không ráng được nữa bà mới về nhà con trai tá túc để đi hốt thuốc Nam uống. Con trai ông bà cũng chỉ có nghề làm mướn nuôi vợ con. Sau vụ cháy, tinh thần của bà khá suy sụp, ông Suôl phải động viên vợ rất nhiều.

Quyết trụ lại biên giới

Ở nơi tận cùng biên giới này, nếu không có đất để trồng cấy thì chỉ có mỗi nghề làm mướn, bữa có bữa không. Nhưng ông Suôl cho biết sẽ vẫn trụ lại mảnh đất vùng biên này, ráng làm lại từ đầu.

Mấy ngày nay, mưa gió liên miên, việc không có nhiều. May mà ông Suôl có người kêu đi hái bầu, gánh bầu mướn. Ông dậy từ sáng sớm, để kịp đi bộ tới chỗ làm. Cũng có vài người bạn lo cho hoàn cảnh của ông nên chạy xe tới nhà rủ ông đi làm mướn. Để có thể chạy xe vào nhà ông mà không phải bỏ xe lội ruộng, người ta phải vòng sang con đường trên đất bạn Campuchia, rồi mới quẹo vô gần cột mốc để tới nhà ông. Chỉ “mối” cho ông đi làm mướn, có lẽ là cách hữu hiệu nhất họ có thể giúp ông lúc này.

Khi cha mẹ ông phiêu bạt tới mảnh đất này, không đất đai nhà cửa, mảnh đất này đã cưu mang gia đình ông. Cha mẹ ông đặt tên con giống tên người Khmer cũng là duyên nợ với vùng biên giáp Campuchia này. Đến tuổi nhập ngũ, ông Suôl đi bộ đội rồi qua Campuchia chiến đấu từ năm 1976. Đến năm 1982, khi biên giới đã yên bình, ông được xuất ngũ. Trong sáu năm phục vụ trong quân ngũ, ông được tặng huy chương chiến sĩ vẻ vang.

Vừa qua, do tuổi đã lớn, ông được cho nghỉ nhiệm vụ ở đội dân quân tự vệ gác chốt biên phòng. Trước đó, ông được giao nhiệm vụ chốt trưởng chốt biên phòng Cây Me. Suốt 11 năm làm dân quân, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, được khen thưởng nhiều lần.

Gắn bó với mảnh đất này hơn nửa đời người, ông không dứt ra để đi được, dù cái nghèo đeo đẳng tới giờ. Cứ mỗi khi dành dụm được một chút để gầy vốn nuôi cá, nuôi gà thì y như rằng vợ con ông đau bệnh, tiền bạc lại đội nón đi hết. Đã quen với những biến cố và lần nào cũng vậy, ông lại gắng gượng chắt chiu, làm lại.

Ông đã tìm mọi cách để thoát nghèo: Đào ao nuôi cá, nuôi gà, nuôi heo. Ông đào được một cái ao nhỏ xíu cạnh nhà, mỗi năm thu hoạch được một lần, may mắn thì được 2, 3 triệu đồng, rớt giá thì lỗ tiền công. Nhưng việc gì ông cũng làm, để có chút vốn dự phòng: “Vợ tui sức khỏe không được như tui, không có tiền dành dụm gặp bệnh sao lo nổi….” Nhưng điều ông lo lắng đã đến, vợ ông gặp nhiều biến chứng, bệnh ngày càng nặng, cơ thể chỉ còn hơn 30 kg.

Mảnh đất của ông nằm sát đường biên nên dù không được cấp sổ đỏ, ông vẫn ở đây với những hàng xóm hai bên biên giới, gồm cả người Khmer và người Việt. Họ cũng nghèo như ông, phần lớn cũng cày ruộng và làm mướn.

Mỗi ngày ông vẫn ghé qua căn nhà cháy để dọn dẹp và để trông coi mấy con gà, một con mèo và một con chó. Ông vừa quây lại phần chái nhà để làm chuồng gà tạm. Ông nói: “Cũng phải ráng để gây lại, còn sức thì còn làm, không lẽ mất hết thì bỏ luôn. Hôm rồi xã, huyện có đến giúp cho 8 triệu đồng, tui chưa dám xài vô chuyện gì hết. Tiền đó tui để dành, phải nghĩ kỹ rồi mới dám xài…”.

Không biết là bao lâu nhưng ông sẽ dựng lại căn nhà đó, trên nền đất cháy.

HỒNG MINH

Trước đây khi tham gia lực lượng tự vệ của xã, ông Suôl rất có trách nhiệm và gương mẫu. Sau khi xảy ra sự cố, huyện đã hỗ trợ 7 triệu đồng, xã hỗ trợ 1 triệu đồng mong ông ấy vượt qua khó khăn.

Ông NGUYỄN VĂN TẤN, Phó Chủ tịch xã Long Thuận

Ông là bộ đội xuất ngũ, sau đó về tham gia lực lượng dân quân ở địa phương. Trong quá trình làm chốt trưởng chốt biên giới, ông có tinh thần trách nhiệm rất cao, thường xuyên phối kết với lực lượng biên phòng đi tuần tra biên giới. Các cấp từ huyện đến tỉnh đã tặng nhiều bằng khen cho ông trong công tác này.

Ông PHẠM VĂN PHÚ, Xã đội trưởng xã Long Thuận

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới