Đó là buổi lễ khai giảng của Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè mới đây.
Tiết mục mở đầu, thầy đàn, học trò hát. Hai cô cậu học trò ngồi trên xe lăn, tay cầm micro say sưa ca bài ca đến trường(ảnh). Thầy ngồi phía sau, tay đánh đàn, miệng hát theo cùng học trò. Tiết mục kết thúc, bé gái hồn nhiên: “Mệt quá!” khiến nhiều người cười xòa.
Phía dưới, cô giáo thầm dõi theo tiết mục múa trên lễ đài, vỗ tay theo nhịp, ra hiệu cho học trò làm theo. Từng chút, từng chút, từ đầu cho đến cuối tiết mục. “Xoay vòng đi con”, “Nhấc chân qua trái nào”, “Đổi chỗ cho nhau đi hai đứa”… Sự quan tâm của các thầy, các cô dồn hết vào câu chữ, vào hành động, từng cái vỗ tay, từng ánh nhìn động viên cho các em.
Các em đứng trên đó - mỗi người đều mang trong mình những dị tật khác nhau nhưng đều có chung những ánh mắt hồn nhiên, thích thú khi được trình diễn, được vui chơi. Trong đời tôi từng trải qua hơn 12 buổi lễ khai giảng, làm gì có việc bạn trên kia đang hát, dưới này lại có bạn khóc ré lên mà chẳng biết lý do. Cả việc có em đứng lên hồn nhiên: “Cô ơi, em mắc tè”… Việc phá vỡ hàng ngũ, gây mất sự trang nghiêm của buổi lễ sẽ bị cô giáo la mắng… là những lý do mà chúng tôi vẫn thường kháo nhau thuở còn cắp sách.
Cậu bé hân hoan đại diện phát biểu cảm tưởng. Câu chữ em không rành rọt, đọc không đúng dấu ngắt câu, phát âm không chuẩn… Cái chào vội vàng, e dè rồi bất ngờ chạy về sau cánh gà nhận được niềm cảm thông, sự chia sẻ và cái ôm nồng ấm từ phía các thầy cô. Ở đâu đó, người lớn đang mặc nhiên cho mình cái quyền bắt con trẻ rập khuôn theo lối nghĩ của họ mà quên mất rằng hạnh phúc đôi khi chỉ là những điều nhỏ nhoi trong cuộc sống, là say sưa hát hết ca khúc rồi buông lời: “Mệt quá!” một cách hồn nhiên mặc ai phán xét. Là tiếng hô: “1, 2, 3, chào!” răm rắp của các em sau mỗi tiết mục, là ánh mắt háo hức, rạo rực của các em khi được ca hát, được làm điều mình thích.
Còn bao nhiêu trẻ em có thể cảm nhận được cái không khí vô tư, hồn nhiên đúng lứa tuổi trong ngày khai giảng khi mà xã hội hiện đại dễ làm con người ta đứng vào một đường thẳng được kẻ bằng thước chứ không phải vẽ bằng tay! Hoặc có thể chính con người đang tự trói buộc mình vào những ràng buộc mà tự họ vẽ sẵn ra.
Cuộc sống này vẫn có những bản nhạc nằm nghiêng mình như thế. Một sự lệch pha đáng trân trọng.
AN THI