Mua hàng trên Temu có thật sự 'mua sắm như tỷ phú', lung linh như quảng cáo?

(PLO)- Dù giá cả rất rẻ, nhưng câu hỏi về chất lượng sản phẩm và độ uy tín về hàng hóa trên Temu vẫn khiến nhiều người e ngại.

Nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã nhanh chóng đặt thử hàng hóa trên Temu, nền tảng mua hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Dù giá cả rất hấp dẫn, nhưng chất lượng sản phẩm vẫn là dấu chấm hỏi của người tiêu dùng.

Rẻ nhưng chất lượng thì không biết ra sao

Vừa nhận tai nghe và chiếc đồng hồ điện tử đặt trên Temu, anh Trần Thông (Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, ưu điểm là giao đúng sản phẩm, thời gian giao hàng đúng hẹn, chỉ sau 5 ngày đặt hàng. Hàng được giao bởi Best Express, đơn vị khá quen thuộc đối với người mua hàng online tại TP.HCM.

Thêm vào đó Temu giảm giá sâu cho các khách hàng mới, mức giảm giá tùy thuộc vào “vòng quay may mắn” mà khách chọn được khi đăng ký tài khoản.

“Tôi quay được giảm 96%, cho đơn từ 230.000 đồng nên tôi mua được hàng giá rẻ. Đơn cử, giá gốc tai nghe giá gốc hơn 700.000 đồng, khuyến mãi chỉ còn 69.000 đồng. Tôi mua thêm đồng hồ giảm còn 161.000 đồng, vừa đủ đơn 230.000 đồng.

Sản phẩm anh Thông mua trên Temu. ẢNH: Trần Thông

Dù vậy các sản phẩm trên Temu đều là hàng Trung Quốc nên cần thời gian trải nghiệm mới biết được chất lượng sản phẩm ra sao”- anh Thông nói.

Cũng theo anh Thông, nếu không có khuyến mãi thì giá hàng hóa trên Temu tương đương với các sàn khác tại Việt Nam. Quan trọng, khuyến mãi sốc dành cho đơn hàng đầu tiên.

Tương tự, chị Thanh Phương (TP. Thủ Đức, TP.HCM) cũng mua đồ gia dụng trên Temu với giá chỉ 300.000 đồng cho 4 món đồ. Cảm nhận của chị là giao đúng hẹn, giá rẻ nhưng lo ngại về chất lượng hàng hóa. Chị Phương cho biết, chị mua với tâm lý thử cái mới lạ, nhưng rẻ quá cũng lo.

Thêm vào đó, chị Phương cho biết hiện, phương thức thanh toán chưa đa dạng, gây khó cho người dùng vì chỉ có thanh toán bằng thẻ tín dụng, Visa quốc tế, hoặc ví điện tử quốc tế.

Giảm giá ảo

Trái lại với anh Thông và chị Phương, anh Trần Khánh Quân (Bình Thạnh, TP.HCM) lại không có cảm nhận “vui vẻ” sau khi mua hàng quần áo và phụ kiện trên Temu.

"Rõ ràng, hình shop đăng nhìn rất “lung linh” và to, thực tế nhận về lại khá thất vọng, chất liệu vải thô cứng, màu sắc không tươi sáng. Ngoài ra thời gian giao hàng cũng không phải quá nhanh như mua trên Shopee và Lazada. Tôi đặt từ tối ngày 21-10, và trưa 27-10 tôi nhận hàng, bù lại ưu điểm là miễn phí giao hàng"- anh Quân nói.

Cũng theo anh Quân, vì hiện tại Temu bắt thanh toán trước, nên người mua cũng khá lo ngại. Nguyên nhân là do Temu chưa đăng ký hoạt động ở Việt nam, do đó các thủ tục bảo vệ người tiêu dùng, cũng như trả hàng, hoàn tiền... còn khá mù mờ.

Đơn hàng của anh Quân mua trên Temu. ẢNH: Khánh Quân cung cấp

So sánh với các nền tảng khác, anh Quân cho biết, trên Temu không có sự xuất hiện của những thương hiệu uy tín, đã có bảo chứng về chất lượng.

Chưa kể, giá bán khá ảo, đẩy giá gốc lên cao để tạo cảm giá giảm giá khủng, hoặc liên tục thông báo chỉ còn 1 món, để hối thúc người mua, dù 3 ngày sau anh Quân vẫn chưa thấy hết hàng.

Đặc biệt, giá bán không phải siêu rẻ để người mua "mua hàng như tỷ phú" theo quảng cáo của Temu, bởi nếu không có khuyến mãi dịp khai trương thì so với Shopee và Lazada, giá bán không chênh nhiều.

Nói thêm về làn sóng mua thử hàng Temu, anh Quân cho biết, chỉ trong trưa chủ nhật vừa qua, sân chung cư nơi anh ở có khoảng lượt 20 người dân xuống nhận hàng Temu. Điều này cho thấy, Temu đã kích thích được sự tò mò của nhiều người dùng Việt Nam.

Cẩn trọng khi mua hàng trên Temu

Vừa qua, Bộ Công Thương đã khẳng định không chỉ Temu mà Shein, 1688… dù tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Trong khi các nền tảng này lại thu hút sự chú ý lớn đến từ người tiêu dùng Việt.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thực thi pháp luật, Bộ Công Thương đã yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nói chung, và Temu, Shein... nói riêng

Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Bộ này cũng giao Cục TMĐT-KTS chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu cho lãnh đạo bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn TMĐT chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam.

"Trong trường hợp cần thiết phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp", Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Kiểm soát chất lượng hàng hóa rất quan trọng

Sự xuất hiện của các nền tảng bán hàng giá rẻ có thể tạo ra áp lực cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là vừa và nhỏ. Chưa kể nguy cơ hàng ngoại giá rẻ chiếm lĩnh thị phần, gây mất cân đối thương mại và làm giảm doanh thu của các công ty nội địa. Nhất là khi nền tảng này chưa đăng ký kinh doanh ở Việt Nam.

Hiện nay, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP là hai căn cứ quan trọng nhất để xử lý vi phạm hành chính với các sàn TMĐT hoạt động mà không thông báo tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có Mục 10 quy định hành vi vi phạm về TMĐT với các mức xử phạt cụ thể. Trong đó có hành vi "không thông báo website TMĐT bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định".

Bên cạnh xử lý theo quy định hiện hành, tôi cho rằng cần hoàn thiện hơn nữa các chính sách thuế, hải quan đối với các nền tảng và hàng nhập ngoại, nhất là hàng dưới 1 triệu đồng. Cần phải kiểm soát chặt chẽ dòng tiền và đảm bảo các sàn như Temu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.

Cùng đó, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng có động thái trước hành động giá rẻ của Temu (cấm, tăng thuế, đưa ra hàng rào kỹ thuật...).

Do đó việc thiết lập các tiêu chuẩn giá sàn cho các loại hàng hóa trên Temu nhằm tránh tình trạng phá giá thị trường, là cần thiết. Việt Nam có thể hợp tác với các tổ chức thương mại quốc tế để đảm bảo sự công bằng trong việc phân phối hàng hóa.

Ngoài ra, các vấn đề kiểm soát chất lượng hàng hóa, kiểm định sản phẩm, nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ cũng rất quan trọng. Đặc biệt là các chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, Chủ nhiệm Bộ môn Digital Marketing Trường Cao đẳng FPT Polytechnic.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới