Cẩn trọng với hoạt động kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ

(PLO)- Tỉnh Khánh Hòa rà soát các quy định pháp luật, công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan rà soát quy định pháp luật, công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng trên địa bàn.

Việc này nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình về phản ánh, khiếu nại liên quan đến kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng.

hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ.jpg
Khánh Hòa nhận trên 1.000 đơn phản ánh về hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ tại khu nghỉ dưỡng Alma resort. Ảnh: H.H

Hơn 1.000 đơn phản ánh về hợp đồng kỳ nghỉ về Alma

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, từ năm 2020 đến 2023, các cơ quan chức năng ở Khánh Hòa nhận trên 1.000 đơn của các khách hàng mua sở hữu kỳ nghỉ tại khu nghỉ dưỡng Alma resort của Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (gọi tắt là Công ty Vịnh Thiên Đường).

Theo đó, các khách hàng phản ánh Công ty Vịnh Thiên Đường có một số sai phạm trong quảng cáo, chào mời ký kết, thực hiện hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ tại Alma resort.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, Alma resort của Công ty Vịnh Thiên Đường hoạt động từ năm 2019, được Tổng cục Du lịch cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Công ty Vịnh Thiên Đường là doanh nghiệp trực tiếp tư vấn, ký kết, bán các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ cho khách hàng. Tính đến ngày 24-8-2023, công ty này bán gần 17.000 hợp đồng với tổng giá trị khoảng 6.000 tỉ đồng.

Trong đó, giá mỗi hợp đồng 220- 800 triệu đồng. Đến năm 2024, Công ty Vịnh Thiên Đường ngừng bán hợp đồng, tập trung chăm sóc khách hàng.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng phản ánh của hơn 1.000 khách hàng về Công ty Vịnh Thiên Đường là tranh chấp quan hệ dân sự. Khách hàng được hướng dẫn gửi đơn đến tòa án để giải quyết tranh chấp.

Đối với các đơn phản ánh việc doanh nghiệp tăng phí thường niên quá cao gây thiệt hại cho khách hàng, có dấu hiệu áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương chuyển toàn bộ đơn đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Ngoài ra, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát lại quá trình thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng Alma resort; đồng thời tăng cường kiểm tra chất lượng dịch vụ, các loại phí, nghĩa vụ thuế đối với dự án này.

Xây dựng quy định pháp luật chuyên ngành để quản lý

Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong giai đoạn 2020-2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhận được 779 đơn thư của khách hàng đề nghị được hủy, chấm dứt hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ và được bên bán hoàn trả lại vốn.

hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ 1.jpg
Khu nghỉ dưỡng Alma resort tại khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh.
Ảnh: H.H

Theo Bộ Công Thương, đặc điểm chung của các hợp đồng nghỉ dưỡng dài hạn là khách hàng được lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng và sử dụng dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định hàng năm.

Các doanh nghiệp thường tiếp cận, mời chào khách hàng bằng hình thức phổ biến như tổ chức sự kiện để tặng quà, tặng kỳ nghỉ miễn phí và khảo sát nhu cầu du lịch của người dân. Tại đây, các công ty sẽ sử dụng chiến lược khai thác tâm lý để người dân đặt cọc mua kỳ nghỉ.

Khách hàng phải thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng trước, có thể trả thêm phí thường niên và các khoản phí khác trong quá trình sử dụng. Đồng thời, thông thường bên mua không được hủy ngang hợp đồng.

Bộ Công Thương cho rằng khách hàng sẽ gặp nhiều rủi ro như bị thu hút, lôi kéo tham gia giao dịch một cách vội vàng; bên bán thiết kế nội dung giao dịch tiềm ẩn rủi ro cao và bên bán không sở hữu kỳ nghỉ nhưng vẫn cung cấp dịch vụ dài hạn và thu trước toàn bộ giá trị hợp đồng.

Bộ cho hay về bản chất, các giao dịch kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn là giao dịch dân sự, chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản luật khác nhau. Đồng thời, thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan như Bộ VH-TT&DL, công an, tòa án…

Ngoài ra, nước ta hiện nay còn thiếu vắng một khung pháp lý riêng biệt và đầy đủ để điều chỉnh loại hình kinh doanh này. Cụ thể là pháp luật về dân sự, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cạnh tranh…

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị xây dựng các quy định pháp luật chuyên ngành toàn diện, chặt chẽ để điều chỉnh lĩnh vực đặc thù này nhằm giảm thiểu rủi ro cho người dân khi tham gia vào loại hình nghỉ dưỡng tương tự.

Xét báo cáo của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành liên quan, UBND tỉnh Khánh Hòa lập kế hoạch rà soát pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động của loại hình kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng trên.

Đồng thời, lập chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về loại hình kinh doanh kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng để trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định.

Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Khánh Hòa có văn bản đề nghị các cơ quan báo chí, trung tâm văn hóa thông tin và thể thao các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo về một số rủi ro có thể phát sinh liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng mà Bộ Công Thương đã nêu trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm