Theo báo cáo của nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Metric.vn, 9 tháng đầu năm tổng doanh số trên 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop đạt hơn 227 nghìn tỉ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý 3-2024, đã đóng góp gần 85 nghìn tỉ đồng, tương đương mức tăng hơn 18% so với quý liền kề.
Dù vậy, sự tăng trưởng này vẫn bị bủa vây bởi nhiều thách thức đến từ thị trường, sức mua.
“Bẫy” tăng trưởng
Theo thống kê của Metric, 9 tháng đầu năm có tới hơn 580 nghìn nhà bán hàng (shop), con số này giảm 1% so với năm ngoái. Tính riêng trong quý 3 là giảm 17,8%.
Chưa kể, cũng trong quý 3, làn sóng gia nhập của nhiều nền tảng TMĐT Trung Quốc như Temu, 1688, Taobao đang bủa vây và gây sốc cho nhà bán hàng cũng như hàng Việt.
Điều này gia tăng áp lực cạnh tranh cho giới sản xuất và nhà bán lẻ online trước làn sóng giá rẻ và tốc độ dịch vụ, nhất là khi thị trường bán lẻ online vốn đã bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài như Shopee, Lazada và TikTok Shop.
Theo dữ liệu cung cấp riêng cho PLO, Metric cho biết, hiện nay các nhà bán ngoại (quốc tế) còn đang thể hiện sự bành trướng của mình tại các nền tảng TMĐT đang hoạt động ở Việt Nam.
Chỉ tính riêng Shopee, thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm, các nhà bán quốc tế thu về hơn 10 nghìn tỉ đồng đến từ gần 27 nghìn nhà bán (có phát sinh đơn hàng) với hơn 237 triệu sản phẩm bán ra.
Nhóm hàng sắc đẹp, thời trang nữ, điện thoại phụ kiện, phụ kiện thời trang, nhà cửa- đời sống… đang mang về doanh thu khủng cho nhà bán lẻ ngoại.
“Nhìn vào dung lượng thị trường, tốc độ tăng trưởng cao là do nhiều nhà bán cạnh tranh, nhiều ngành hàng, và nhu cầu mua sắm dần hồi phục. Tuy nhiên, khi đi sâu vào báo cáo, phân khúc giá rẻ lại đang chiếm lĩnh thị trường và thói quen tiêu dùng của người Việt. Điều này thực sự là cái bẫy tăng trưởng của e-commerce”- ông Đào Thế Vinh, Nhà sáng lập của Midori Việt Nam nói.
Cũng theo ông Vinh, “bẫy” tăng trưởng này càng nóng, khi Temu, sàn TMĐT giá rẻ đến mức khó tin của Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện của mình tại Việt Nam.
Đáng chú ý, đại diện Cục Thương mại Điện tử - Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, hiện nay Temu chưa đăng ký kinh doanh tại Việt Nam. Nhưng nhìn vào thực tế, đã hơn một tuần này Temu đã triển khai rầm rộ các chương trình khuyến mãi khủng.
Sàn này còn kêu gọi người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng tham gia chương trình tiếp thị liên kết (Affiliate), với chiết khấu lên tới 30%. Chưa hết nền tảng này còn tặng tới 1,5 triệu đồng cho người dùng ứng dụng mới trên app Temu, thậm chí giảm đến 90% kèm theo vận chuyển miễn phí.
Chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn, cần siết chặt quản lý
Kinh doanh ngành thời trang, cũng là mặt hàng chủ lực của Temu, ông Vinh đang mất ngủ, khi chỉ một tuần qua, doanh số bán hàng sụt giảm liên tục, có mặt hàng giảm tới 55%.
"Lấy ví dụ, một chiếc túi xách đang bán bên Trung Quốc với giá 22.000 đồng, trong khi giá gia công ở Việt Nam đang là 40.000 đồng.
Vậy sao cạnh tranh nổi nếu để Temu, hay các nền tảng giá rẻ khác ồ ạt vào Việt Nam? Giá bán này thực sự khiến các nhà bán lẻ online dù có xưởng sản xuất như chúng tôi cũng phải lo sợ và đặt câu hỏi về liệu có đảm bảo tính hài hòa về cạnh tranh giá”- ông Vinh lo ngại.
Cùng với đó, theo ông Vinh hiện nay việc kinh doanh trên Temu khá khó, bởi sàn này đặt ra yêu cầu cao về đầu vào như giá cả và sản phẩm.
Theo đó người bán sẽ cùng “đấu giá” trên cùng một sản phẩm, đơn vị nào có giá tốt nhất sẽ chiến thắng. Với quy trình này ông Vinh cho rằng, khó có nhà bán nào thực hiện được ngoài các xưởng sản xuất của Trung Quốc.
“Với tư cách là nhà bán, nếu Temu có chính sách riêng cho nhà bán Việt, để tham gia vào nền tảng, thì có thể các nhà sản xuất, nhà bán sẽ tính toán các phương án tham gia thị trường.
Hoặc cần có cơ chế quản lý trước làn sóng giá rẻ đang ồ ạt để cứu các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, những đơn vị chiếm phần lớn thị trường kinh doanh ở Việt Nam”- ông Vinh nói.
Ông Trần Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Natural House cũng bày tỏ, dù Temu đang mang lại cơ hội kiếm tiền thông qua Affiliate và cơ hội mua hàng giá rẻ nhưng đây chỉ là lợi ích ngắn hạn, không thực sự mang lại tín hiệu tốt về lâu dài dài, bởi sẽ làm giảm sức cạnh tranh của DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMEs). Chưa kể, người tiêu dùng còn có thể gặp phải rủi ro về chất lượng sản phẩm.
"Tôi mong muốn, cơ quan chức năng quản lý sàn và nhà bán ở Việt Nam ra sao thì xây dựng như thế đối với sàn và nhà bán ngoại. Tôi cho rằng các nhà quản lý sớm siết chặt quy định về thuế quan, các vấn đề kinh doanh chống phá giá trên TMĐT xuyên biên giới và tăng cường kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu trên môi trường online"- ông Lâm bày tỏ.
Tại cuộc họp thường kỳ của Bộ Công Thương vào chiều ngày 23-10, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, bản thân ông cũng giật mình vì thấy giá rẻ của Temu.
"Nhưng chúng ta phải điều tra, nghiên cứu cụ thể, chưa dám khẳng định giá đó là thật hay không, vì tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường. Khi có kết quả nghiên cứu, Bộ Công Thương sẽ đề ra giải pháp nhằm kiểm soát” - ông Tân nói.
Cũng theo Thứ trưởng Tân, trước việc một số quốc gia quan ngại và cấm Temu như Indonesia, Bộ Công Thương đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát đánh giá tác động.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng triển khai đề án để đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống gian lận, hàng giả, hàng nhái.
Cũng trong chiều này, Sở Công Thương TP.HCM đã gửi văn bản kiến nghị lên Bộ Công Thương để đề xuất một số biện pháp quản lý trước tình trạng khuyến mãi vượt quá 50% giá trị hàng hóa của sàn TMĐT xuyên biên giới, cụ thể là Temu.
Trong đó đáng chú ý, đơn vị này kiến nghị Bộ Công Thương cần nghiên cứu, sớm ban hành các quy định cụ thể hơn về thuế quan, thủ tục hải quan và kiểm soát hàng hóa trong thương mại điện tử xuyên biên giới. Từ đó có cơ sở pháp lý quản lý, điều chỉnh hiệu quả các hoạt động này, nhất là một số nội dung còn bỏ ngỏ hoặc chưa có cơ sở để can thiệp.
Nỗ lực ứng phó
Dù sốc và hoang mang, nhưng những nhà bán lẻ online như ông Trần Lâm hay ông Thế Vinh vẫn phải nghĩ trăm cách để đẩy mạnh doanh thu, ứng phó với cơn bão giá rẻ từ sàn Trung Quốc.
Theo đó hai đơn vị này tập trung xây dựng phát triển sản phẩm phù hợp với người Việt. Đẩy mạnh kinh doanh đa kênh, chú trọng hàng trên các nền tảng sẵn có và website và nghiên cứu sản phẩm thuần Việt, hướng tới môi trường.
Ông Phạm Bảo Trung, Cố vấn Giải pháp tăng trưởng Khách hàng của Metric.vn cho rằng, giai đoạn cuối năm các nhà bán lẻ online sẽ chịu áp lực lớn về giá và thị phần, khi các nền tảng và nhà bán Trung Quốc đang mở rộng hiện diện.
Tuy nhiên, ông Trung vẫn kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ vào các sự kiện mua sắm lớn. Những ngành hàng thuộc nhóm ngành làm đẹp và thời trang thu đông, thực phẩm, bách hóa sẽ được ưa chuộng.
“Mặc dù áp lực từ các nền tảng quốc tế ngày càng rõ rệt, nhưng các nhà bán hàng trong nước vẫn có thể tận dụng những lợi thế như hiểu rõ thị trường nội địa và yếu tố văn hóa để duy trì sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, các nhà bán hàng online cần đặc biệt chú trọng đến chiến lược giá cả và quảng bá trên các nền tảng TMĐT, để có thể vượt qua áp lực cạnh tranh"- ông Trung gợi ý.
Chuyên gia Lê Tuấn Anh, Giám đốc điều hành A1Demy, nói thêm rằng để "chống bão" giá rẻ, nhà bán Việt Nam cần tránh đụng chạm các mặt hàng Temu đẩy mạnh. Chọn sản phẩm cải tiến phù hợp với Việt Nam, có chất riêng và tránh đại trà.
"Chúng ta có thể phát triển thế mạnh về ngành hàng thực phẩm, mỹ phẩm trị liệu, hàng có nguồn gốc nguyên liệu của Việt Nam. Ngoài ra việc bán hàng đa kênh, nâng cao năng lực sáng tạo xây dựng thương hiệu, hậu cần cũng rất quan trọng, để khách hàng không bị rơi vào vòng xoáy so sánh giá"- ông Tuấn nói.
Ở vai trò sàn TMĐT, đại diện các nền tảng cho biết, đang nỗ lực hỗ trợ các nhà bán Việt Nam đẩy mạnh sản phẩm nội địa, sản phẩm OCOP thông qua các chương trình livestream lớn trong dịp cuối năm nay.
Không chỉ sàn TMĐT, các đơn vị logistics cũng chạy đua phát triển hệ thống kho bãi, nâng cao chất lượng giao hàng chặng cuối. Từ đó đáp ứng sự hài lòng của người bán, người mua đối với TMĐT trong nước.
Bà Nguyễn Kim Anh, Giám đốc SPX Express cho biết, với hệ thống bưu cục khắp 63 tỉnh thành và các kho trung tâm phân loại lớn tại Bắc Ninh, TP.HCM sắp tới là Bình Dương, đơn vị này đã nâng tỉ lệ giao hàng thành công đạt 97%. Thời gian giao hàng cũng được rút ngắn. Đơn cử ở chặng Hà Nội và TP.HCM, thời gian giao hàng đã được rút ngắn 7 tiếng so với hồi đầu năm. Cùng với đó, tỉ lệ hàng hư hỏng và thất lạc hàng luôn duy trì ở mức cực thấp, dưới 0.01%.
Bà kỳ vọng những nỗ lực này, sẽ giúp nhà bán hàng tối ưu quy trình vận chuyển và gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Thị trường ngách nhưng phát triển xanh
Mỹ phẩm vốn dễ bị cạnh tranh bởi các nhà bán ngoại, tuy nhiên với việc chọn ngách thuần chay, phát triển bền vững đang giúp doanh nghiệp có nhiều kết quả tích cực. Tôi cho rằng, với xu thế hiện nay, sản xuất sản phẩm an toàn, bền vững cũng là ngách thị trường tiềm năng, có thể theo đuổi.
Để tăng tốc đơn hàng cuối năm, các nhà bán không nên "đi sâu" vào cuộc chiến giá, dễ khiến người dùng có tâm lý chờ đợi, so sánh khi không mua được giá hời. Thay vào đó nên tập trung nhiều vào hậu mãi, tương tác với khách hàng, gia tăng chất lượng, nhất là sản phẩm chủ chốt và đẩy mạnh sự hiện diện trên mọi nền tảng.
Bà Phạm Hồng Thúy Vân, Nhà lập thương hiệu mỹ phẩm thuần chay Shegan
Cần bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu hàng giá trị nhỏ
Thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy, mỗi tháng có từ khoảng 1,3 tỉ - 1,9 tỉ USD hàng hóa nhỏ qua biên giới không phải đóng thuế. Tính bình quân một ngày khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, không bị thu thuế. Con số thất thoát rất lớn. Do đó tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải sửa Luật theo hướng tất cả các loại hàng hóa ra, vào quốc gia thì đều phải nộp thuế.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế