Mức đóng BHYT tăng thì điều kiện hưởng BHYT có thay đổi?

(PLO)- Từ ngày 1-7, số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm khi tham gia BHYT năm năm liên tục sẽ có sự thay đổi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tôi được biết từ ngày 1-7, mức lương cơ sở sẽ được tăng lên 1,8 triệu đồng. Theo đó, mức đóng BHYT hộ gia đình cũng sẽ tăng lên.

Xin hỏi mức đóng BHYT tăng thì điều kiện hưởng BHYT năm năm liên tục có thay đổi?

Bạn đọc Trần Hà (TP.HCM)

Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, trả lời: Theo quy định hiện hành, người bệnh muốn được hưởng BHYT năm năm liên tục phải đáp ứng ba điều kiện.

Thứ nhất, có thời gian tham gia BHYT năm năm liên tục trở lên.

Thứ hai, số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở. Mức lương cơ sở trước ngày 1-7 là 1.490.000 đồng và sau ngày 1-7 tăng lên 1,8 triệu đồng. Số tiền cùng chi trả là khoản tiền mà người bệnh có BHYT phải cùng chi trả với cơ quan BHXH theo tỉ lệ phần trăm được hưởng của loại thẻ BHYT.

Ví dụ, thẻ BHYT có mức hưởng 80% thì người bệnh phải đồng chi trả 20% trong tổng chi phí thuộc phạm vi thanh toán của BHYT.

Nếu người bệnh có số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính tại các cơ sở KCB khác nhau hoặc tại cùng một cơ sở lớn hơn sáu tháng lương cơ sở thì Quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi.

Ví dụ: Bà A tham gia BHYT liên tục đủ năm năm và có tổng chi phí cùng chi trả trong năm là 20 triệu đồng.

Nếu trước ngày 1-7, khi bà A mang hóa đơn đến cơ quan BHXH thì sẽ được thanh toán lại số tiền cùng chi trả là 20 triệu đồng - 8.940.000 đồng (sáu tháng lương cơ sở) = 11.060.000 đồng.

Sau ngày 1-7, khi bà A mang hóa đơn đến cơ quan BHXH thì sẽ được thanh toán lại số tiền cùng chi trả là 20 triệu đồng - 10.800.000 đồng (sáu tháng lương cơ sở) = 9.200.000 đồng.

Thứ ba, người tham gia phải đi KCB đúng tuyến hoặc theo diện cấp cứu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm