Trong thập niên 1980, các xưởng đóng tàu ngầm Mỹ vốn đã có thể đạt năng suất đóng đến sáu chiếc tàu ngầm tấn công (SSN) và một chiếc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) trong một năm.
Tuy vậy, dù đang nắm trong tay lực lượng tàu ngầm tấn công lớn nhất nhì thế giới, Mỹ vẫn không đủ tàu ngầm để cung cấp cho các hạm đội của mình trên khắp thế giới. Không chỉ vậy, đến năm 2029, số lượng tàu ngầm của Mỹ dự kiến sẽ giảm chỉ còn 41 tàu ngầm tấn công. Trong phiên điều trần mới đây trước Quốc hội, Hải Quân Mỹ đã có ý định nâng yêu cầu về số lượng tàu ngầm tấn công cho các hạm đội của mình.
Theo đó, Thiếu tướng Hải quân Michael Jabaley, phụ trách chương trình Chỉ huy các hệ thống trên biển cho biết các xưởng đóng tàu hoàn toàn có thể đóng thêm tàu khi có yêu cầu: “Chúng tôi chưa thể xác định được cần bao nhiêu tiền và thời gian để đóng được nhiều hơn hai chiếc tàu lớp Virginia cộng với một chiếc lớp Ohio trong một năm nhưng sẽ cần một nỗ lực rất lớn.”
Tàu ngầm lớp Virginia của Hải quân Mỹ tại xưởng đóng tàu Newport News.
Theo ông, các xưởng hiện không thể duy trì được năng suất như thời chiến tranh lạnh là vì bản chất của các khu đóng tàu đã thay đổi. “Mặc dù chúng ta vẫn có hai cơ sở của General Dynamics Electric Boat và Huntington Ingalls Newport News đủ tiêu chuẩn để đóng tàu ngầm hạt nhân, nhằm tiết kiệm tài chính, chúng ta chỉ mới sử dụng một cơ sở để làm việc này. Trong những năm 70 và 80, chúng ta có thể đóng được nhiều tàu ngầm tấn công cộng thêm một tàu ngầm SSBN lớp Ohio mỗi năm, song lúc đó các xưởng đóng tàu đều cơ bản hoạt động khác bây giờ.”
Trong thời kỳ của Tổng thống Reagan, hai xưởng đóng tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đều hoạt động riêng rẽ do số lượng công việc quá lớn. Mỗi năm, hải quân đặt hàng cho các xưởng nhiều tàu ngầm lớp Los Angeles cùng với một tàu lớp Ohio. Đến cuối thế kỷ XX, sau khi Liên Xô sụp đổ, tiến độ đóng mới chậm lại chỉ còn khoảng năm chiếc tàu được đóng. Hải quân Mỹ đã phải thu xếp một hợp đồng hoạt động chung giữa hai xưởng để đảm bảo cho nền công nghiệp đóng tàu ngầm vẫn sống sót qua nhiều năm.
“Số lượng tàu đóng được đã giảm xuống đáng kể” - Jabaley cho biết. “Chúng tôi phải cắt giảm tần suất đóng mới xuống chỉ còn ba chiếc Seawolf vào đầu những năm 2000 và phải đến năm 2011 mới đạt được số lượng hai chiếc tàu Virginia mỗi năm. Với mỗi chiếc tàu lớp Virginia có tuổi đời 33 năm rưỡi, chúng ta phải đóng được mỗi năm một chiếc rưỡi thì mới có thể duy trì được con số 48 tàu ngầm tấn công.”
Ước tính phải đến năm 2042 thì Mỹ mới có thể đạt được đủ yêu cầu tối thiểu 48 chiếc này với tần suất hiện tại. Tuy vậy, bằng cách này, hải quân hy vọng có thể dành dụm được đủ tiền để đóng thêm hai chiếc tàu ngầm Virginia mỗi năm kể cả sau khi chương trình thay thế tàu ngầm lớp Ohio khởi động vào năm tài khóa 2021.
“Theo chương trình hiện tại thì mỗi năm hải quân sẽ đóng hai chiếc tàu Virginia. Nếu không có chương trình thay thế tàu Ohio, thì sẽ tiếp tục đóng hai tàu Virginia. Nếu có chương trình này, sẽ có một tàu Ohio thay mới và một tàu Virginia.”
Tàu ngầm lớp Ohio của Hải quân Mỹ.
12 tàu ngầm thay thế của chương trình Ohio sẽ được đóng vào các năm 2021, 2024 và từ năm 2026 đến 2035. Theo kế hoạch hiện tại, khi chương trình khởi động, hải quân sẽ chỉ đóng được một tàu Virginia mỗi năm trừ khi có thêm tiền do dành dụm được hoặc do Quốc hội cấp thêm. Nếu không, lực lượng tàu ngầm của hải quân sẽ chỉ có 41 chiếc trong khi Nga và Trung Quốc vẫn đang phát triển lực lượng này.
Theo Jabaley, dây chuyền sản xuất tàu ngầm lớp Virginia đạt đến mức có thể giao tàu sớm hơn dự kiến trong khi giá thành còn có thể tiếp tục giảm. Việc ngưng sản xuất lớp tàu này không chỉ cản trở quá trình tái thiết các hạm đội, mà còn bỏ qua cả một quá trình phát triển công nghiệp đóng tàu kỳ công trước đó.
Hiện hải quân Mỹ vẫn đang tính toán xem liệu có thể đóng được hai chiếc Virginia và một chiếc Ohio từ sau năm 2021 hay không. Một vấn đề hiện hữu trước mắt là với số lượng hai tàu Virginia và một tàu Ohio trong từng năm, sẽ có thời điểm xưởng đóng tàu chật kín các con tàu đang đóng dang dở cũng như lượng công việc được nhân gấp 10 lần hiện tại. Đây là vấn đề thiết thực không kém khả năng đóng tàu của các xưởng này.
Mặc dù General Dynamics Electric Boat từng khẳng định có thể xử lý được lượng công việc cho một chiếc tàu Virginia thứ hai, cả hai xưởng tàu đều sẽ phải mở rộng mặt bằng cũng như thuê thêm lao động để đảm bảo khối lượng công việc đồ sộ, nhất là trong thập niên 2020. Trong trường hợp hải quân yêu cầu đóng thêm nhiều hơn ba chiếc, hải quân chắc chắn sẽ phải đầu tư thêm nhiều hơn nữa.
Như vậy, cuối cùng, nếu muốn hải quân Mỹ có thể cạnh tranh được với lực lượng tàu ngầm của Nga và Trung Quốc, Quốc hội nước này sẽ phải đổ thêm tiền vào để đảm bảo kịp các tiến độ đề ra.