Máy bay Su-27
Mặc dù Su-35 vượt trội với nhiều tính năng, nhưng dòng S-27 cổ điển của Nga, vốn có từ thời Chiến tranh Lạnh, vẫn được tin dùng tại nhiều quốc gia.
Được biên chế trong Không quân Liên Xô từ năm 1985, Su-27 Flanker đạt tốc độ 2.500 km/h, vượt F/A-18 và F-16 của Mỹ.
Nga, Belarus, Ukraine, Kazakhstan và Uzbekistan đã thừa hưởng phi đội Su-27 của Liên Xô.
Ấn Độ và Trung Quốc đều đã được quyền sản xuất Su-27 trong nước, trong khi Indonesia và Việt Nam vẫn sử dụng loại máy bay này.
Su-27 nổi bật nhờ tính linh hoạt. Dòng máy bay này có thể thực hiện hàng loạt các vai trò đặc biệt. Phiên bản hải quân của nó (Su-33) có thể hạ cánh trên tàu sân bay, trong khi Su-34 có thể thực hiện nhiệm vụ đánh bom.
Với hàng loạt vai trò chiến đấu và bề dày nhiều năm hoạt động, Su-27 vẫn là máy bay chủ lực của nhiều lực lượng không quân nhiều quố gia trong các năm tới.
Tiêm kích Su-35
Su-35 Super Flanker là máy bay tiêm kích đáng gờm nhất trong kho vũ khí hiện tại của Nga, ít nhất là cho tới khi Moscow triển khai chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 T-50 PAK FA.
Phiên bản nâng cấp của Su-27 này tương đương với các chiến đấu cơ thế hệ 4 của Mỹ, thậm chí một số quan chức Không quân Mỹ đánh giá, nó có thể đe dọa siêu tiêm kích thế hệ 5 F-35.
Với bán kính hoạt động 1.600 km, hệ thống radar trinh sát/điều khiển hỏa lực tối tân, trang bị các vũ khí không đối đất và không đối không hiện đại, Su-35 hấp dẫn nhiều khách hàng, trong đó có Trung Quốc. Ngoài ra, Hàn Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Brazil cùng bày tỏ sự quan tâm tới loại tiêm kích này.
Xe tăng T-90
Đây là xe tăng phiên bản hiện đại hóa của T-72, do nhà sản xuất tăng lớn nhất thế giới Uralvagonzavod (UVZ) phát triển, và từng được sử dụng tác chiến từ thời Liên Xô.
Dù nhỏ hơn so với tăng M1A1 Abrams của Mỹ và “cao tuổi”, nhưng T-90 vẫn có thể chiến đấu hiệu quả trên các chiến trường như Ukraine, Georgia… Bên cạnh đó, T-90 là lựa chọn hợp túi tiền so với các dòng tăng mới hơn của Nga.
T-90 được trang bị pháo nòng trơn 125 mm, có thể bắn đạn chống tăng và tên lửa dẫn đường. Tuy nhỏ nhẹ hơn tăng của phương Tây, nhưng lớp vỏ bọc thép của nó đủ dày để phòng vệ.
Ngoài Nga, Azerbaijan và Turkmenistan được thừa hưởng T-90 thời Xô Viết, quân đội Ấn Độ cũng đang sử dụng loại tăng này. New Delhi có kế hoạch mua sắm 1.657 chiếc T-90, trong đó gần 1.000 chiếc sẽ được sản xuất tại Ấn Độ.
Tăng T-14
Tăng T-14 Armata là một sản phẩm của UVZ, mới ra mắt hồi đầu năm 2015. Đây là mẫu tăng hoàn toàn mới của Nga kể từ thời Xô Viết. Armata nổi bật nhờ các tính năng ấn tượng, được kỳ vọng sẽ trở thành vũ khí đầy uy lực trong kho vũ khí của Kremlin và nhiều quốc gia khác.
Thiết kế của Armata lấy cảm hứng từ tăng Merkava của Israel từng trải nghiệm chiến đấu trên chiến trường Gaza và Li-băng.
Armata được trang bị pháo tự động 125 mm, giúp giảm thành viên khẩu đội và giảm nguy cơ thương vong. Thiết kế bọc thép mới giống với thiết kế của phương Tây hơn so với các thiết kế Liên Xô cũ.
Trong tương lai, ngoài Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đang là những nước cần hiện đại hóa lực lượng tăng của mình vốn chủ yếu có từ thời Liên Xô. Các nước thuộc Liên Xô cũ cũng là các khách hàng tiềm năng mà UVZ nhắm tới cho tăng Armata.
Hệ thống tên lửa S-400
Đây là hệ thống tên lửa đất đối không được dự đoán sẽ được triển khai phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Quân đội Nga lần đầu giới thiệu S-400 từ năm 2007 sau nhiều năm phát triển.
Với tầm bao phủ 400 km, các tên lửa của S-400 có thể đánh chặn hoạt động rộng khắp của hỏa lực đối phương. Năm 2012, Nga đã triển khai S-400 tại Kaliningrad Oblast, vùng đát giáp Ba Lan và Lithuania, đưa cả một vùng hoạt động rộng lớn của NATO nằm trong tầm bao phủ của tên lửa Nga.
Trung Quốc đã trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên mua S-400, với thỏa thuận hồi đầu năm 2014 giữa hai nước sau nhiều năm thương lượng.
Ngoài ra, Ả rập Sauđi, Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus đang thể hiện sự quan tâm tới S-400. Các quan chức Nga cũng tỏ ý muốn bán hệ thống này cho Iran.Theo The National Interest/TPO