Ngân hàng Phát triển mới (NBD) của nhóm nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vừa được thành lập tại Brazil. Với số vốn ban đầu là 50 tỉ USD và dự trữ ngoại tệ lến đến 100 tỉ USD, đây là một nỗ lực của BRICS nhằm tạo ra một định chế tài chính độc lập cho nhóm mình.
Quan trọng hơn, trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch sức mạnh kinh tế từ Tây sang Đông đang diễn ra, đây có thể là sự khẳng định và có quyền lực nhất định trong phạm vi khu vực, cũng như ảnh hưởng chính trị toàn cầu.
Một “con bài” để BRICS giảm phụ thuộc phương Tây
Mục đích của Ngân hàng NBD là hỗ trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng cho các nền kinh tế mới nổi cả trong và ngoài khối BRICS. Đồng thời, BRICS mong muốn xây dựng một thể chế tài chính đủ mạnh để giảm dần sự phụ thuộc của các nền kinh tế này đối với các thể chế phương Tây khác.
Ngay điều 1 trong thỏa thuận về thành lập NBD đã tuyên bố mục đích và cam kết của NBD là sẽ huy động nguồn vốn cho các dự án phát triển bền vững và cơ sở hạ tầng cho các nước BRICS, các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển. Bên cạnh đó, BRICS phát huy các nỗ lực xây dựng thể chế tài chính khu vực và đa phương vì mục tiêu tăng trưởng và phát triển toàn cầu.
Lãnh đạo năm nước thuộc khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) đang rất kỳ vọng về một “Ngân hàng thế giới thứ hai” với mức độ độc lập và ảnh hưởng cao. Ảnh minh họa: AFP
Để thực hiện mục đích này, ngân hàng sẽ hỗ trợ các dự án tư nhân cũng như công cộng thông qua các khoản vay, bảo lãnh ngân hàng, huy động vốn và các công cụ tài chính khác. Mặt khác, ngân hàng cũng sẽ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đơn vị tài chính nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án của mình.
Như vậy, Ngân hàng Phát triển mới của BRICS với năm thành viên sáng lập sẽ để mở tư cách thành viên cho tất cả thành viên của Liên Hiệp Quốc, cũng như cho các thành viên vay và không vay vốn của ngân hàng. Các thành viên sáng lập cùng nhau góp vốn ban đầu đồng đều, trong đó quyền bỏ phiếu và sở hữu của các thành viên tương đương nhau. Chủ tịch và phó chủ tịch ngân hàng sẽ được bầu chọn luân phiên từ các quốc gia thành viên sáng lập.
Né các cú sốc từ Mỹ
Theo nhà kinh tế học-GS Stephany Griffith-Jones (ĐH Columbia, Mỹ), việc BRICS cho ra đời Ngân hàng Phát triển mới xuất phát từ hai vấn đề, trong đó nổi lên là hiện trạng thiếu vắng một thể chế tài chính cho khu vực phía Nam bán cầu là nơi tập trung các nước đang phát triển.
Sự lớn mạnh của các nền kinh tế BRICS đang làm cả thế giới sửng sốt. Ước tính BRICS đóng góp cho GDP toàn cầu 25% và chiếm 40% dân số thế giới. Song hành với sự phát triển này, các dòng chảy vốn lớn từ những nền kinh tế mới nổi dẫn đến tình trạng giảm tỉ giá hối đoái, đặc biệt mỗi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ áp dụng các gói nới lỏng định lượng (Quantitative Easing) nhằm góp phần bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Một ví dụ mới đây khi chính phủ Mỹ đóng cửa vào tháng 10-2013 (do Thượng viện và Hạ viện Mỹ bất đồng về vấn đề ngân sách của chính phủ) là một cú sốc cho các nền kinh tế mới nổi. Và sự phụ thuộc bấy lâu của BRICS vào các thể chế tài chính phương Tây đem lại không ít phiền toái.
Tuy rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn có thể đáp ứng cán cân tài chính trong giai đoạn ngắn hạn nhưng như thế vẫn chưa bao quát. Điều này tạo nên sự thiếu vắng một thể chế tài chính cho khu vực phía Nam bán cầu. Mục tiêu của Ngân hàng Phát triển mới BRICS là lấp đầy khoảng trống này. Với dự trữ ngoại tệ 100 tỉ USD, Ngân hàng Phát triển mới sẽ đem lại tính thanh khoản ngay cả trong các trường hợp khủng hoảng. Đồng thời, BRICS dần thoát khỏi sự can thiệp của IMF. Bên cạnh đó, việc thành lập ngân hàng thể hiện quyết tâm của các nhà lãnh đạo khối BRICS, theo như phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Brazil Rouseff vào tháng 6-2013 là “củng cố phối hợp chính sách” - trước nguy cơ sụt giảm giá trị tiền tệ trước đồng đôla Mỹ. Đây là nỗ lực hợp tác của các nền kinh tế mới nổi trên quy mô toàn cầu.
Ngân hàng cho sự thịnh vượng của BRICS
Stephany Griffith-Jones nói thêm NBD ra đời còn dựa trên nhu cầu phát triển bền vững và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các nước thuộc khối các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Một điều khá thú vị khi điểm qua sự hình thành của các ngân hàng phát triển trong lịch sử là chúng đều bắt nguồn từ nhu cầu phát triển bền vững và xây dựng cơ sở hạ tầng. Ví dụ Ngân hàng Đầu tư châu Âu (European Investment Bank) với mục tiêu giúp xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia giàu và nghèo ở châu Âu, góp phần đẩy mạnh hợp tác thương mại.
Hay như trường hợp của World Bank, mục tiêu ban đầu cũng để hỗ trợ quá trình tái thiết cơ sở hạ tầng châu Âu sau Thế chiến thứ hai. Sau này các thể chế này mở rộng hoạt động và trong những năm gần đây đang hướng đến phát triển bền vững. Ngân hàng Phát triển mới BRICS cũng không ngoại lệ. Thứ nhất, các quốc gia đang phát triển rất cần được đầu tư vào cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu thực tế cho thấy phát triển cơ sở hạ tầng còn làm giảm mức độ bất bình đẳng trong xã hội, tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ tối thiểu nhất.
Mặt khác, việc xây dựng mới cơ sở hạ tầng còn phải song hành với việc phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và đáp ứng trước sự thay đổi khí hậu. Để đáp ứng cho việc này ước tính cần đến 0,8-0,9 ngàn tỉ mỗi năm cho thời điểm hiện tại và con số này sẽ tăng lên đến 1,8-2,3 tỉ năm 2020. Trong tương lai, các ngân hàng phát triển hiện tại không thể đáp ứng con số này.
Thêm vào đó, việc hình thành ngân hàng mới cũng tạo cơ hội cho các nền kinh tế mới nổi trong và ngoài khối góp tiếng nói vào hệ thống tài chính. Các quốc gia đầu tư tiềm năng vào ngân hàng này sẽ có lợi ích rõ ràng trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng vào các khu vực mà họ sẽ hợp tác thương mại và đầu tư trong tương lai.
Viết lại lịch sử tài chính thế giới?
Việc thành lập Ngân hàng Phát triển mới tạo ra diễn đàn giá trị thực chất hơn để các nước BRICS góp phần vào quá trình cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế. Khi chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo và gánh nặng toàn cầu, khối BRICS sẽ gia tăng vai trò của mình, phục vụ cho lợi ích quốc gia của chính họ và đem lại các đóng góp cho các đối tác khác. Đó là lập luận của phe lạc quan hay còn gọi là nhóm cổ súy “đa phương hóa” chính trị toàn cầu.
Nhưng mặt khác, Ngân hàng Phát triển mới của BRICS cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi về tính khả thi, đặc biệt khi giữa các thành viên có quá nhiều xung đột lợi ích và tham vọng ảnh hưởng khác nhau. Liệu họ có thể tìm thấy điểm chung để cùng hành động? Khả năng chi phối của Trung Quốc (GDP của Trung Quốc lớn hơn của tất cả thành viên cộng lại) đến mức độ nào? Có thể thấy rõ sự đồng thuận và công bằng giữa các thành viên sáng lập cũng khá khập khiễng khi vai trò của Nam Phi mờ nhạt hơn hẳn so với các thành viên còn lại. Có một thực tế trước mắt là các ngân hàng “phát triển” thách thức hệ thống tiền tệ quốc tế dạng này đang hoạt động kém hiệu quả, như trường hợp ý tưởng thành lập Ngân hàng Phía Nam (Bank of South) ở khu vực châu Mỹ.
Bản thân Nga và Trung Quốc cũng từng có sáng kiến thành lập các tổ chức tương tự. Ý tưởng của Nga về một liên minh kinh tế Á-Âu (Eurasian Economic Union) vào năm 2015 vẫn còn đang nằm trên dự thảo. Hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization) có cả Nga và Trung là thành viên nhằm gây đối trọng về mặt an ninh với phương Tây cũng thất bại.
BRICS đang muốn thay đổi hệ thống do Mỹ và phương Tây dẫn đầu, thế nhưng chính họ cũng không thể hình dung ra viễn cảnh đó ra sao. Sự ra đời của Ngân hàng Phát triển mới của BRICS rõ ràng mang một ý nghĩa quan trọng. Một thế giới tương lai do BRICS làm trung tâm tuy vậy còn khá xa vời.
AN ĐỖ
Trung Quốc mượn tay BRICS để khống chế thế giới? Một nguyên nhân nữa được các chuyên gia diễn giải đó là Ngân hàng Phát triển mới là công cụ chính trị của Trung Quốc. Khối nước BRICS sẽ cùng gây ảnh hưởng lên IMF, đối trọng với World Bank, hay tham vọng hơn là tái cấu trúc nền kinh tế thế giới có lợi cho nhóm nước BRICS. Và BRICS với bước đi đầu tiên này để thể chế hóa khối BRICS - vốn không chính thức từ ban đầu - hướng đến thay đổi hệ thống tiền tệ thế giới tồn tại sau Thế chiến thứ hai. |