Ông Edward Lozansky, Chủ tịch kiêm người đồng sáng lập trường Đại học Mỹ ở Moscow và là một giáo sư tại Đại học Nghiên cứu hạt nhân Quốc gia Moscow đã cảnh báo, cuộc đối đầu Mỹ-Nga thông qua vấn đề Ukraine đang khiến cho hai nước rơi vào vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, thậm chí còn tồi tệ hơn so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Ông Lozansky cho biết: "Giới công chúng nhận thức được rằng hai cựu siêu cường Chiến tranh Lạnh đang đối mặt nhau trên mặt trận chính trị, kinh tế và thông tin. Tuy nhiên, nguồn thông tin đó vẫn chưa phản ánh thực tế rằng có khả năng họ sẽ phát động một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới.”
Vị giáo sư nhấn mạnh “Các hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn vốn mất nhiều năm và nhiều nỗ lực chính trị để đạt được, đang bị đe dọa nghiêm trọng ".
Một vụ nổ hạt nhân
Đáng chú ý, Washington đã thực hiện động thái đầu tiên sau khi đơn phương rút khỏi Hiệp ước tên lửa chống đạn đạo ký kết vào 1972 trong năm 2002, trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi một thỏa thuận kiểm soát vũ khí lớn kể từ Thế chiến II.
Hơn nữa, một vài năm sau đó Mỹ đã phát triển và triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của mình ở châu Âu gần sát với biên giới của nước Nga.
Ngoài ra, vị giáo sư kêu gọi dự luận chú ý đến việc mở rộng tầm ảnh hưởng về phía đông nhanh chóng của NATO bắt đầu ngay sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Kể từ khi khối Hiệp ước Warsaw, một tổ chức phòng thủ chung của Liên Xô và các đồng minh châu Âu tan rã vào năm 1991, NATO đã gia tăng số lượng thành viên từ 12 lên 28 quốc gia và hiện đang xem xét tư cách tham gia của Georgia và Ukraine.
Ông Lozansky nhấn mạnh: "Hoa Kỳ cũng tích trữ các kho vũ khí hạt nhân lớn ở một số nước châu Âu, và NATO có một ưu thế áp đảo so với Nga ở các dòng vũ khí thông thường”.
Hiện tại, mối lo ngại của Moscow là hoàn toàn có căn cứ. Chuyên gia an ninh Keir Giles và Andrew Monaghan nhận xét theo quan điểm của Moscow, lịch sử phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Hoa Kỳ “mang tính chất không thống nhất, không thể tiên đoán và không được bảo đảm”.
Những căng thẳng hiện nay trên Ukraine cũng như tăng cường quân sự của NATO ở Đông Âu có thể dẫn tới việc hai nước rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), ký kết bởi Tổng thống Mỹ Reagan và Chủ tịch Gorbachev vào năm 1987.
Rạn nứt giữa hai nước đang ngày một nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Obama đình chỉ hoạt động hợp tác Mỹ-Nga trong một số lĩnh vực quan trọng bao gồm cả an ninh, để "trừng phạt" Moscow. Tuy nhiên, động thái này của Washington rõ ràng là đã phản tác dụng.
Siegfried Hecker, cựu giám đốc của Phòng thí nghiệm Quốc gia Hoa Kỳ Los Alamos National khẳng định: “Khi đối phó với một số các vấn đề an toàn và an ninh hạt nhân dài hạn như: mối đe dọa về buôn lậu hạt nhân, khủng bố hạt nhân và hạn chế sự lây lan của các loại vũ khí hạt nhân thì hợp tác Mỹ-Nga là điều hoàn toàn cần thiết”.
Vị giáo sư kết luận, trong khi tình hình đang dần trở nên tệ hơn, câu hỏi rằng liệu chính quyền Obama có thay đổi ý định và khởi động lại các mối quan hệ song phương Mỹ-Nga hay không, hiện vẫn còn bỏ ngỏ.