Năm 2022, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đối diện với khó khăn do dịch COVID-19 và việc thay đổi chính sách hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), khiến khoảng 4,9 triệu người không tiếp tục được hỗ trợ thẻ BHYT. Tuy nhiên, ngành đã chủ động ứng phó, nhờ vậy số người tham gia BHYT đạt 91,1 triệu người, tỉ lệ bao phủ 92,04% dân số, tăng hơn 2,2 triệu người so với năm 2021” - đại diện BHXH Việt Nam thông tin như trên tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 diễn ra ngày 11-1.
38,08% lực lượng lao động tham gia BHXH
Về chính sách BHXH, ngành bảo hiểm cho biết khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi. Như vậy, độ bao phủ BHXH, BHYT tăng đồng nghĩa lưới an sinh xã hội được mở rộng, có thêm hàng chục triệu lượt người được thụ hưởng chế độ.
Người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Cũng trong năm 2022, BHXH đã giải quyết cho trên 95.600 hồ sơ hưởng mới và chi trả kịp thời đến 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; gần 11 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; trên 977.000 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); 151,4 triệu lượt người hưởng BHYT. Tổng số tiền chi cho người hưởng lên đến 380.000 tỉ đồng.
Ngành cũng triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ các quỹ BHXH, BHTN cho người lao động và người sử dụng lao động, nâng tổng số tiền hỗ trợ lên trên 47.200 tỉ đồng, chiếm 45,2% trên tổng các gói hỗ trợ COVID-19 của Chính phủ. Qua đó giúp ổn định đời sống người dân cũng như phục hồi sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Hiện kho cơ sở dữ liệu của ngành BHXH đã cập nhật thông tin của trên 98,7 triệu người dân, kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh, tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến trên hệ thống giao dịch điện tử và hệ thống thông tin giám định BHYT…
Đáng chú ý, ngành đã kiểm tra, thanh tra 36.065 đơn vị chậm đóng BHXH. Theo đó, số tiền các đơn vị chậm đóng trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 3.298 tỉ đồng, số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng là 3.068 tỉ đồng (93%), tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi chỉ chiếm 2,91% số phải thu - đây là tỉ lệ số tiền chậm đóng trên số phải thu thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây (năm 2016 là 6%).
“Những chuyển biến tích cực trong thu hồi số tiền chậm đóng đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động trong thực hiện chính sách…” - BHXH thông tin.
Ứng phó kịp thời với tình hình mới
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhận định tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Do đó ngành BHXH cần đổi mới phương thức, cách thức hoạt động, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách trong tình hình mới. Cùng với đó là nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT.
Ông Mạnh cũng yêu cầu ngành nắm bắt, đánh giá các vướng mắc trong thực tiễn triển khai, từ đó phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp. Phối hợp với các tỉnh thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.
Cùng với đó, ngành phải triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đảm bảo giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN. Tập trung đôn đốc thu, giảm nợ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.
“Ngoài ra, cần khai thác và phát huy tối đa hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả…” - ông Mạnh nhấn mạnh.
BHXH TP.HCM cho biết trong năm 2022 đơn vị đã tổ chức giám định và thanh toán BHYT cho 17,34 triệu lượt người, với số tiền chi trả là 19.878 tỉ đồng (bằng 99,31% dự toán), đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tiếp nhận và giải quyết trên 1,59 triệu lượt người hưởng chế độ BHXH với số tiền 32.194 tỉ đồng. Tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra trên 5.500 đơn vị.
Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế như việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT so với quy mô dân số và lực lượng lao động của TP vẫn còn thấp. Nợ BHXH, BHYT còn cao do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, sức khỏe doanh nghiệp chưa phục hồi. Một số doanh nghiệp cũng dựa vào tình hình dịch bệnh cố tình để nợ, không trích đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện phải tham gia.