Ngày 16-7, UBND TP.HCM và Bộ TT&TT đã tổ chức sơ kết chương trình hợp tác phát triển thông tin và truyền thông giai đoạn 2019-2020.
Muốn đột phá về công nghệ thông tin
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả chương trình hợp tác giữa Bộ TT&TT với UBND TP.HCM, trong đó bộ đã tích cực hỗ trợ cho TP.HCM thời gian qua.
Theo ông Nhân, trong bối cảnh cả nước đang tập trung, tạo sự đột phá về công nghệ thông tin thì TP.HCM rất cần sự hỗ trợ từ bộ để góp phần vào sự đột phá chung của cả nước. “TP đang xây dựng đô thị thông minh nhằm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nhất là về kinh tế để người dân được cung cấp các dịch vụ trong xã hội tốt hơn...” - ông nói.
Ông cũng bày tỏ mong muốn Bộ TT&TT giúp TP.HCM xây dựng đô thị thông minh, trong đó có dự báo trong công tác điều hành để không bị “giật mình” trước các tình huống phát sinh trên các lĩnh vực như kẹt xe, ngập nước, tham gia hỗ trợ phát triển khu đô thị sáng tạo phía đông TP.HCM…
Liên quan đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng dù là vấn đề mới mẻ nhưng TP thấy rằng nếu không khởi động, bắt nhịp thì sẽ bị lạc hậu và khi đó việc thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng gặp nhiều khó khăn.
Từ đó Bí thư Thành ủy đề nghị UBND TP đặt hàng với Bộ TT&TT và chọn doanh nghiệp để xây dựng chiến lược số hóa từ nay đến năm 2025. “TP cần phối hợp cùng bộ lên danh mục các lĩnh vực có thể ưu tiên ứng dụng sớm AI giúp tăng năng suất lao động, từ đó có thể đặt hàng các doanh nghiệp triển khai thực hiện” - ông Nhân nói.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị. Ảnh: TL
Sẽ cử nhóm làm việc chuyên trách ở TP.HCM
Trước các mong muốn của TP.HCM, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết ủng hộ chủ trương của TP.HCM, trong đó xác định dùng công nghệ, nhất là công nghệ mới để thúc đẩy kinh tế TP phát triển và giải quyết các bài toán, các vấn đề của địa phương. “Bộ sẽ cử một nhóm làm việc chuyên trách vào TP.HCM” - ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Để xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng TP.HCM cần có kế hoạch thực hiện mục tiêu tới năm 2021 hoặc chậm nhất đến năm 2022, tất cả người dân TP.HCM phải dùng smartphone và tất cả hộ gia đình phải tiếp cận Internet để chính quyền cung cấp dịch vụ công tới người dân mọi lúc, mọi nơi.
Bên cạnh đó, bộ trưởng cũng đề nghị TP.HCM tới năm 2020 cần phủ sóng 5G được tới các khu công nghiệp, các khu nghiên cứu, các trường đại học... Và chậm nhất đến năm 2022, TP cần phủ sóng 5G trên toàn địa bàn. “Như vậy, TP.HCM sẽ tương đương New York về hạ tầng viễn thông” - ông Hùng nói.
Bộ trưởng cũng đề nghị TP.HCM cần đi đầu trong thử nghiệm tất cả công nghệ mới.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Dương Anh Đức cho biết một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện chương trình hợp tác là chiến dịch bóc gỡ mã độc khỏi máy tính phát hiện trong giai đoạn 1 đã mang lại hiệu quả nhất định. Có hơn 510 máy tính nhiễm mã độc đã được bóc gỡ. Riêng trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, hai bên đã phối hợp tổ chức được nhiều sự kiện quan trọng tại TP.HCM. Tuy nhiên, vẫn còn một số công việc chưa có kết quả rõ nét như phối hợp triển khai thử nghiệm các giải pháp cho đô thị thông minh, ứng dụng IoT (Internet vạn vật), thử nghiệm các dịch vụ công nghệ viễn thông thế hệ thứ năm (5G)... Việc ứng dụng AI vào phục vụ quản lý, điều khiển tự động hóa vào các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục cũng đã được triển khai trong dự án của các ngành nghề, lĩnh vực liên quan. Đến năm 2025, các ứng dụng AI được áp dụng trong tất cả ngành xây dựng, ngân hàng, du lịch, vận tải, viễn thông... |