Nam giới và loãng xương

Loãng xương đang trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới. Ước tính cứ mỗi 30 giây lại có một người bị mắc mới loãng xương. Loãng xương thường được xem là một bệnh của nữ giới, ít được chú ý ở nam. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy loãng xương cũng hay gặp ở nam giới và gây hậu quả nghiêm trọng hơn ở nữ giới. Một nghiên cứu ở Việt Nam chỉ ra rằng nguy cơ gây gẫy xương ở nam giới 50 tuổi là 25%. Khoảng 30% nam giới qua đời trong vòng một năm sau khi bị gãy xương vùng hông do loãng xương. Trong khi tỉ lệ này ở nữ chỉ chiếm khoảng 12%.

Loãng xương là tình trạng mật độ xương và chất lượng xương suy giảm theo thời gian làm gia tăng nguy cơ gãy xương. Nam và nữ đều có mật độ xương cao nhất vào độ tuổi 25-30 tuổi. Sau đó, mật độ xương bắt đầu giảm, nữ giảm nhanh hơn nam. Mật độ xương chịu ảnh hưởng của các yếu tố như di truyền, dinh dưỡng, lối sống và môi trường sống trong suốt quá trình phát triển. Vì vậy, nếu khung xương phát triển kém do thiếu dinh dưỡng hay do thiếu canxi từ khi còn nhỏ thì về sau bộ xương sẽ dễ dàng bị loãng xương hơn ở cả nam lẫn nữ.

Tình trạng mất xương theo tuổi ở nam thường bắt đầu khoảng 50 tuổi. Các yếu tố làm gia tăng loãng xương ở nam bao gồm tuổi tác tăng, bị suy tuyến sinh dục do cắt tinh hoàn, tiền sử gia đình bị gãy xương, thói quen dùng nhiều rượu bia, cà phê, hút thuốc lá nhiều, sử dụng thuốc chống co giật, thuốc chữa ung thư tuyến tiền liệt hay thuốc corticoid kéo dài, bị bệnh tuyến giáp, bệnh gan thận mạn tính hay bệnh dạ dày ruột, bệnh tiểu đường, viêm khớp, người ít hoạt động hay bất động lâu do bệnh. Người càng có nhiều yếu tố nguy cơ loãng xương nêu trên thì càng dễ mắc bệnh loãng xương và gãy xương.

Vì loãng xương thường xảy ra âm thầm cho đến khi xương bị gãy do một chấn thương nhỏ nên rất khó phát hiện những nam giới có nguy cơ gãy xương cao. Vì vậy, loãng xương ở nam giới thường được phát hiện muộn khi đã bị gãy xương đốt sống hay gãy cổ xương đùi. Để giúp phát hiện kịp thời loãng xương ở nam, cần chủ động đo kiểm tra mật độ xương định kỳ khi có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào kể trên từ sau 50 tuổi.

Để giúp phòng tránh loãng xương ở nam giới, bên cạnh việc tích cực luyện tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày (đi bộ nhanh, chạy bộ…), bỏ hút thuốc lá, giảm rượu bia (dưới hai cốc/ngày), giảm cà phê (dưới hai cốc/ngày), giảm nước ngọt…, nam giới cần tăng cường các thực phẩm giàu canxi, vitamin D trong chế độ ăn uống hằng ngày. Đặc biệt là từ sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, cá tép nhỏ ăn cả xương cả vỏ, cua đồng, rạm, đậu nành… Mỗi ngày nên uống thêm hai ly sữa để đảm bảo nhu cầu canxi cho cơ thể.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới