Xăng từng tăng lên mức kỷ lục 21.300 đồng hồi tháng 3/2011 và giảm
nhỏ giọt 500 đồng hôm 26/8 vừa qua. Ảnh: Hoàng Hà.
Buổi công bố kết quả kiểm toán sáng 30/8 không có nhiều thông tin mới, chủ yếu về tình hình thực hiện ngân sách năm 2009. Kết quả kiểm toán về niên độ ngân sách 2009 vốn dĩ được quan tâm bởi đây là năm đặc biệt, kinh tế khó khăn, ngân sách phải chi tiêu nhiều khoản bất thường để vực dậy sản xuất kinh doanh, tăng cường an sinh xã hội. Tuy nhiên, phần lớn kết quả này dư luận đã biết khi Kiểm toán Nhà nước báo cáo với Quốc hội trong các phiên họp giữa năm. Trong khi đó, các vấn đề thời sự liên quan đến việc kiểm toán quỹ bình ổn giá xăng dầu, chuyện lỗ lãi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các yếu tố cấu thành giá điện mà dư luận đặc biệt quan tâm chưa có kết quả để công bố. Phó tổng kiểm toán Nhà nước - Lê Minh Khái cho hay việc kiểm toán EVN, và kiểm toán chuyên đề về quỹ bình ổn xăng dầu đã cơ bản hoàn tất. Nhưng các đơn vị chức năng đang xử lý số liệu nên chưa thể công bố và chưa phát hành báo cáo cuối cùng. Theo ông, Nghị định 91 của Chính phủ quy định rất rõ về việc công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán. Theo đó, sau khi có kết quả kết luận của đơn vị kiểm toán, việc công bố kết quả sẽ được thực hiện ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào tính chất và mức độ quan trọng của thông tin. Có thể, thông tin chỉ được công bố tại đơn vị được kiểm toán, công bố trên website hoặc họp báo công khai rộng rãi. "Trong trường hợp chưa công khai ngay trong báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ báo cáo ngân sách 2010 thì chậm nhất là tháng 8 năm sau, kết quả về kiểm toán quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được công bố", ông Khái nói. Việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn tại 10 đơn vị đầu mối được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán bắt đầu từ ngày 22/7 và kéo dài đến hết tháng 8. Chuyên đề kiểm toán này được đặt ra khi dư luận nghi ngờ về tính minh bạch trong việc sử dụng quỹ bình ổn. Trong khi các ông lớn dùng sai quy định cả nghìn tỷ đồng mà chưa làm rõ nguyên nhân thì việc trích quỹ vẫn được triển khai và giá xăng dầu không giảm như kỳ vọng của người tiêu dùng. Liên quan tới kết quả kiểm toán ngân sách niên độ 2009, Kiểm toán Nhà nước cho biết năm nay vẫn tiếp tục kiểm toán việc hỗ trợ lãi suất tại các tổ chức tài chính, ngân hàng. Lý do là một số hoạt động cho vay đầu tư, mua sắm thiết bị với lãi suất ưu đãi chưa kết thúc nên việc kiểm toán cũng tiếp tục được thực hiện. Đợt kiểm toán niên độ ngân sách 2009 được thực hiện trong năm 2010 ở 16 bộ ngành, 32 tỉnh thành phố, 28 dự án đầu tư, 27 tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức tài chính và nhiều đơn vị khác... Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2009, thị trường chứng khoán tụt dốc nên các hoạt động đầu tư cổ phiếu gặp khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư chứng khoán đều thua lỗ. Trong đó Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn đầu tư chứng khoán ngắn hạn 21,4 tỷ đồng nhưng năm 2009 phải trích lập dự phòng 10,7 tỷ đồng, dẫn đến thua lỗ. Tương tự, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn mua cổ phiếu bên ngoài 731 tỷ đồng, năm 2009 lợi nhuận thu về đạt 45,5 tỷ đồng nhưng số tiền phải trích dự phòng giá giảm tới 94,2 tỷ đồng. Phó tổng kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái cho hay trong số 27 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nằm trong danh sách kiểm toán doanh nghiệp nào cũng đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán. Tuy nhiên, những doanh nghiệp lập quỹ dự phòng rủi ro thì khi thị trường suy thoái việc thua lỗ chứng khoán tác động ít đến hoạt động sản xuất. Còn những đơn vị không trích lập quỹ dự phòng thì khi thua lỗ mức độ ảnh hưởng lớn hơn. Cũng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trong số 27 tập đoàn, doanh nghiệp đều làm ăn có lãi, bảo toàn và phát triển vốn. Hạn hữu có một số đơn vị làm ăn thua lỗ như Tổng công ty Lắp máy Việt Nam lỗ 103 tỷ đồng, Tổng công ty Sông Hồng lỗ trên 20,64 tỷ đồng và Tổng công ty Bưu chính Việt Nam lỗ 1.026 tỷ đồng. Về các khoản nợ khó đòi, năm 2009, nhiều doanh nghiệp con thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN có các khoản nợ lên tới cả nghìn tỷ đồng. Trong đó, Công ty Viễn thông Đồng Nai 15 tỷ đồng; Công ty Viễn thông Quốc tế 922 tỷ đồng; Công ty Viễn thông Hà Nội 97,6 tỷ đồng, Công ty Viễn thông TP HCM 109 tỷ đồng. Các khoản nợ này tồn đọng nhiều năm và chưa được xử lý dứt điểm. Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, năm 2009, các hoạt động đầu tư ra ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã giảm đáng kể và phù hợp với quy định của Chính phủ. Trong đó, tổng các khoản đầu tư tài chính ngắn và dài hạn tại 27 tập đoàn, tổng công ty nằm trong danh sách kiểm toán là 110.865 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng là 5.047 tỷ đồng, bằng 4,28% vốn điều lệ, các khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng là 9.183 tỷ đồng, bằng 7,78% vốn điều lệ, lĩnh vực xây dựng, phân bón 3.436 tỷ đồng, các lĩnh vực khác 11.560 tỷ đồng... Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đầu tư vào lĩnh vực tài chính 11.033 tỷ đồng, bằng 16,5% vốn điều lệ... Các doanh nghiệp còn lại, phần lớn đã cơ cấu lại vốn đầu tư và không tham gia các hoạt động đầu tư ra ngoài ngành.
Theo Hồng Anh ( VNE)