Hơn 70 tuổi, sức khỏe không tốt lắm, giọng ca của nghệ sĩ Thanh Sang chẳng còn sang sảng như xưa. Song cứ sau mỗi câu ông ca, mỗi cảnh ông diễn, khán giả lại vỗ tay vang dậy. Cái thần thái của một nghệ sĩ cải lương xưa luôn riêng biệt, độc đáo, tinh tế mà chân phương trong mỗi câu ca, nét diễn của ông vẫn còn nguyên đó. Các nghệ sĩ Linh Huyền, Hữu Tài, Chế Thanh, Thy Nhung… diễn cùng Thanh Sang trong bốn trích đoạnBên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn, Dương Quý Phi cũng không phải là những tên tuổi nổi bật, tài nghệ xuất sắc nhưng khán giả vẫn luôn dành cho họ những tràng pháo tay khích lệ liên tục. Cách dàn dựng tôn trọng phong thái cải lương xưa một cách chỉn chu, đẹp đẽ, sâu sắc, trữ tình mượt mà trong từng câu chữ vở tuồng, từ tiếng đàn, giọng hát đến trang phục, nét diễn chân phương mà sắc bén, mỗi nghệ sĩ như được tỏa sáng thêm lên và hòa nhập tự nhiên vào vở tuồng, vai diễn.
Nghệ sĩ Thanh Sang và nghệ sĩ Linh Huyền làm say mê người xem với trích đoạn kinh điển Nửa đời hương phấn. Ảnh: HÒA BÌNH
Đêm diễn để lại nhiều cảm xúc, bồi hồi khó tả trong lòng người xem. Cứ mỗi trích đoạn, trên sân khấu nghệ sĩ ca diễn thì dưới khán phòng không ít lời ca, giọng hát của nhiều khán giả đang lẩm nhẩm ca theo lời hát của những vở tuồng cải lương quen thuộc đã đi vào tim họ.
Với những đêm cải lương như vầy, những người làm cải lương hoàn toàn có thể có lòng tin vào sức sống bền bỉ của bộ môn nghệ thuật này trong lòng công chúng. Vấn đề chỉ còn là giới cải lương hãy đem đến cho công chúng những vở diễn cải lương thật sự chứ không phải kiểu cải lương phai nhạt bản sắc, làm dối với những trò hát nhép như vừa qua.
HÒA BÌNH