Đến Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú) khi gần 11 giờ trưa, đông đảo phụ huynh đã đứng kín khu vực cổng trường để chờ đón con sau khi học xong buổi sáng. Nhiều người tất tả chở con qua lớp bán trú vệ tinh để con ăn, ngủ và sinh hoạt tiếp buổi chiều.
Học cả thứ Bảy, tin học phải hai em/máy
Đây là một trong những trường có áp lực học sinh (HS) đông nhiều năm nay của quận này. Hiện trường có gần 4.000 em với 73 lớp nhưng chỉ có 13 lớp được học bán trú. Còn lại các em phải học một buổi hoặc đến các lớp vệ tinh do các cơ sở tư nhân mở ra để học bán trú.
Chị TB cho hay chị cho con theo học ở lớp bán trú vệ tinh hai năm nay, chi phí mỗi tháng thêm hơn 1 triệu đồng. Ở đó cũng có xe đưa rước nhưng do chị cũng gần trường nên đưa đón con cho yên tâm và bớt chi phí. “Sáng chở con đi học, trưa đưa con qua lớp vệ tinh như kiểu đi “tăng hai”, hết buổi lại đón tiếp. Cả ngày chỉ loay hoay đưa đón con. Cực nhưng vì trường quá đông nên đành chịu. Nghe con kể ở lớp hơn 50 bạn ngồi san sát nhau đến sát bục giảng mới đủ chỗ, rồi máy tính lại ít nên khi học tin học phải hai bạn học chung một máy mà thương” - chị B. kể.
Cách đó không xa, Trường Tiểu học Lê Lai của quận này còn áp lực hơn khi sĩ số mỗi lớp hơn 60 HS nên việc đảm bảo học tập cho các em cũng khó khăn không kém. Vì trường này nằm ở khu vực có Khu công nghiệp Tân Bình nên đông người lao động, dân nhập cư. Nhiều năm nay các HS không biết học hai buổi/ngày là như thế nào. Phụ huynh buộc phải đưa đón con về nhà hoặc gửi ở các cơ sở tư nhân.
Các học sinh Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú) theo học bán trú vệ tinh tại Trường tư thục Hồng Ngọc. Ảnh: PA
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận này, đây là thực tế chung của các trường học trong quận. Hiện tỉ lệ HS được học hai buổi/ngày của toàn quận chỉ dưới 30%, riêng bậc tiểu học dưới 50%. Trường lớp ít nên tiêu chí hàng đầu của quận vẫn là bảo đảm đủ chỗ học cho HS trước. Còn để giải quyết nhu cầu bán trú của phụ huynh sẽ tùy thực tế từng trường hoặc hiện nay trên địa bàn có Trường Hồng Ngọc và Trung tâm văn hóa ngoài giờ Tân Phú có mở các lớp bán trú vệ tinh.
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhiều trường lớp nhưng chỉ đáp ứng việc tăng HS hằng năm chứ không dễ để nâng tỉ lệ học hai buổi/ngày.
“Đau đầu” lo đủ chỗ học cho các em
Nói về thực tế của trường, bà Đỗ Thị Sửu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, cho biết đúng là nhiều năm nay trường luôn áp lực số HS đông. Hiện trường có đến ba loại hình là học một buổi, bán trú và bán trú vệ tinh. Trong đó đa số các em phải học một buổi và có đến 636 HS đang học ở các lớp bán trú vệ tinh.
Không chỉ Tân Phú, hai buổi/ngày cũng là bài toán nan giải của nhiều quận, huyện khác như quận 12, Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp... khi mỗi năm HS tăng quá lớn. Nhiều trường học buộc phải chuyển từ dạy hai buổi/ngày xuống học một buổi để bảo đảm đủ chỗ học.
Điển hình như Thủ Đức, theo ông Dương Hoàng Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT quận, tỉ lệ bán trú của toàn quận chưa năm nào vượt quá con số 50%. Như năm nay, do lượng HS vào lớp 1 tăng cao, nhiều trường từ học hai buổi/ngày xuống 100% lớp học một buổi/ngày. Đó là các trường tiểu học Bình Triệu, Đào Sơn Tây, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh…
Tại quận 12, năm học mới HS trong toàn quận tăng gần 9.000 HS, trường lớp còn hạn chế nên ưu tiên của quận vẫn là đảm bảo chỗ học cho con em trên địa bàn. Còn tỉ lệ HS học hai buổi/ngày chỉ khoảng 19%.
Tại quận Gò Vấp, toàn quận chỉ 62% trường tổ chức được bán trú, dù mỗi năm đưa thêm nhiều trường lớp vào sử dụng nhưng không đáp ứng được so với tốc độ tăng HS. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận này lo ngại: “Đây là trở ngại lớn nhất cho các trường học khi sắp tới áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới vì đòi hỏi 100% HS học hai buổi/ngày. Hiện quận đang tập trung đẩy mạnh mô hình tích hợp, liên kết với các trường có đủ điều kiện để mở rộng mô hình bán trú vệ tinh, giảm áp lực tìm chỗ học buổi chiều cho HS”.
Cần hơn 800 dự án trường học mới đủ chỗ học 2 buổi/ngày Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, chỉ tiêu đến năm 2020, tỉ lệ HS được học hai buổi/ngày sẽ đạt 100% với tiểu học và 65% với THCS. Nhưng tỉ lệ này đến nay vẫn còn rất thấp, chỉ trên dưới 60% .Chưa kể mỗi năm TP tăng thêm gần 60.000 HS, trong đó cao nhất là tiểu học và THCS. Theo tính toán của Sở, để đảm bảo đến năm 2020 đủ chỗ học hai buổi/ngày cho các em, TP phải có đủ 300 phòng học/10.000 dân, tức cần hơn 800 dự án trường học với tổng vốn hơn 64 tỉ đồng. Hiện Sở GD&ĐT cũng đã rà soát với các phòng GD&ĐT 24 quận, huyện và các sở, ngành liên quan để đầu tư xây dựng hơn 700 dự án với 12.000 phòng học. |