Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức sáng 15-8.
Tiếng Anh, kỹ năng sống của học sinh còn hổng
Tại hội nghị, hầu hết ý kiến của các đại biểu đều đánh giá cao nỗ lực của ngành giáo dục trong việc xây dựng trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đổi mới phương pháp giảng dạy cho các cấp học. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, chưa yên tâm trong việc dạy ngoại ngữ, đạo đức, lối sống cho học sinh (HS).
Ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP, thẳng thắn: Sở đầu tư lớn và rất cố gắng trong việc dạy ngoại ngữ cho HS nhưng kết quả thực tế còn quá thấp. Các em học nhiều nhưng không giao tiếp được. “Chúng ta cố gắng đầu tư nhiều nhưng kết quả chưa tương xứng là cần phải xem lại. Phải chăng do công tác chỉ đạo, phương pháp giảng dạy chưa hiệu quả, nếu cứ tiếp tục sẽ rất tốn công sức mà không thay đổi được” - ông Danh nói.
Đồng tình, bà Trần Thị Yến Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hóc Môn, cũng cho rằng chất lượng học tiếng Anh ở phổ thông còn thấp quá. Các em được đầu tư học từ nhỏ, kiểm tra ở trường lớp điểm cũng cao nhưng hết phổ thông không giao tiếp được. Khi cần đi thi lấy chứng chỉ quốc tế hay thi tuyển vào các trường quốc tế thì cũng không đạt. Điều này cần phải đánh giá lại xem nguyên nhân do đâu, do cách học của các em hay do cách giảng dạy của giáo viên (GV) để có giải pháp phù hợp.
Ngoài ra, PGS-TS Trần Đông A cũng ghi nhận giáo dục TP ngày càng được đầu tư quy mô và chất lượng. Tuy nhiên, theo phó giáo sư, tất cả điều này dường như mới chú trọng kiến thức và kỹ năng, chưa thấy việc giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng sống... cho các em. Cũng chưa biết các đổi mới này ảnh hưởng như thế nào đến đạo đức, lối sống của các em trong khi vẫn còn tình trạng bạo lực học đường, bạn bè đánh nhau, làm nhục nhau... rất đau lòng.
Học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1 (TP.HCM) trong một giờ học ngoại ngữ và kỹ năng sống tại Bưu điện TP. Ảnh: PHẠM ANH
Đảm bảo đủ chỗ học cho con em
Theo báo cáo của ông Lê Hoài Nam, đến thời điểm này công tác chuẩn bị năm học mới cơ bản hoàn tất, đảm bảo đủ chỗ học cho 100% HS.
Ông Nam nói thêm, trước thực tế số HS ngày một tăng, Sở cũng đã đẩy nhanh quy hoạch mạng lưới trường lớp để đến năm 2020 sẽ có 300 phòng/10.000 dân. Tức sẽ có 722 dự án với quy mô 12.785 phòng học đã và đang được xây dựng. Theo ông Nam, tính đến tháng 5-2017, tỉ lệ này đã đạt 259 phòng/10.000 dân.
Về công tác tuyển dụng GV, ông Nam cho hay TP đã và đang rốt ráo tuyển để đảm bảo đủ GV cho năm học mới vì nhu cầu chung của TP năm nay cần tuyển hơn 5.200 GV để thay thế GV nghỉ hưu, nghỉ việc và phục vụ trường mới xây dựng. Riêng ở khối trường học trực thuộc Sở như THPT, GDTX... đã hoàn tất và phân nhiệm sở cho số GV được tuyển dụng mới năm nay.
Còn nhiều cơ sở mầm non không phép đang nuôi dạy hàng trăm trẻ, nhất là ở các khu dân cư, hộ gia đình. Điều này rất nguy hiểm vì các cô không có chuyên môn, dinh dưỡng không đảm bảo, cơ sở vật chất không đúng yêu cầu... Đề nghị ngành giáo dục nên tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, hỗ trợ để các đơn vị này đủ điều kiện cấp phép hoặc mạnh dạn đình chỉ nếu điều kiện quá tệ. Bà Phạm Thị Hạnh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 7 |
Tuy nhiên, ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Danh ghi nhận việc tuyển sinh đầu cấp không còn tình trạng xin xỏ trái tuyến, chạy trường lộ liễu bằng tiền như mọi năm. Tuy nhiên, theo ông Danh, năm nay vẫn còn tình trạng một số trẻ nhập cư do không có hộ khẩu và khai sinh nên không có chỗ học, phải đi học ở các lớp phổ cập hoặc do các mạnh thường quân hỗ trợ. Ngoài ra, trường lớp ở các khu đông người lao động, công nhân còn hạn chế. Chủ đầu tư các khu dân cư, KCN, KCX chưa đầu tư xây dựng trường lớp, tạo gánh nặng cho ngành giáo dục.
“Lâu nay chúng ta chỉ nói chứ chưa thực sự có giải pháp cụ thể để kêu gọi, huy động các doanh nghiệp phải đầu tư trường lớp. Nếu đơn vị nào không làm được thì kiến nghị hình thức chế tài thật nghiêm chứ mình ngành giáo dục sẽ khó kham nổi” - ông Danh nói.
Về vấn đề này, ông Lê Hoài Nam ghi nhận ý kiến của các đại biểu để tiếp tục lưu ý trong quá trình quản lý, đầu tư thời gian tới. Tuy nhiên, theo ông Nam, hiện TP có 15 KCN-KCX. TP đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 17 trường mầm non tại những nơi này. Một số nơi chưa hoạt động hết công suất vì tâm lý phụ huynh thích gửi con gần nhà hơn.
Việc đầu tư dạy tiếng Anh đang dần có kết quả tốt Về những vấn đề này, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, cho rằng TP là nơi đi đầu trong việc đầu tư và đổi mới dạy ngoại ngữ cho HS từ khi các em học lớp 1. Hiện TP đầu tư nhiều chương trình dạy tiếng Anh như tăng cường, Đề án 2020 của Bộ GD&ĐT, tích hợp... nhưng vẫn bám theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Việc đầu tư này đang dần có kết quả tốt, nhiều em thi các chứng chỉ quốc tế đạt kết quả cao, giao tiếp tốt... Còn về dạy kỹ năng sống, ngành giáo dục luôn chú trọng giáo dục, nâng cao đạo đức, lối sống cho các em. Cụ thể như có đội ngũ GV tư vấn tâm lý ở các trường để nắm bắt tâm tư các em và can thiệp kịp thời; có đội ngũ giám thị theo sát và uốn nắn các em, xây dựng nhiều chương trình giáo dục cho các em trong và ngoài nhà trường, phối hợp với gia đình trong việc theo dõi việc học, vui chơi của con cái... để làm sao hạn chế tối đa tình trạng bạo lực học đường xảy ra. |