Điều đặc biệt là hệ sao này không được tìm thấy nhờ vào kính thiên văn hay các nhà khoa học, mà bằng một phần mềm AI trong một dự án đột phá kết hợp giữa Google và NASA.
Phát hiện lần này của NASA cho thấy việc tìm kiếm sự sống ngoài vũ trụ sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Ảnh: NASA
Hệ hành tinh này được biết đến với tên Kepler-90, ở cách Trái đất 2.545 năm ánh sáng. Kepler-90i là ngôi sao trung tâm của hệ hành tinh này và có tổng cộng 8 hành tinh khác xoay quanh, theo một cấu trúc rất giống với hệ mặt trời của Trái đất. Những hành tinh thể rắn ở các quỹ đạo gần ngôi sao, còn các hành tinh khí khổng lồ ở xa hơn. Khoảng cách giữa các hành tinh này ở gần nhau hơn so với các hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta, nhưng chúng rất ổn định.
Sau khi NASA kết hợp với Google, họ đã phát triển một phần mềm AI trong tìm kiếm hành tinh ngoài vũ trụ. Phần mềm này được huấn luyện để xem xét các dữ liệu của kính thiên văn Kepler, tìm kiếm các tín hiệu “có thể báo hiệu điều thú vị” nhưng quá yếu để bị phát hiện bởi con người. Kể từ năm 2013 đến nay, Kepler đã thu thập dữ liệu từ hơn 150.000 vì sao.
So sánh hệ Kepler-90 với hệ mặt trời của chúng ta. Ảnh: NASA
NASA cũng tin chắc rằng còn có nhiều hành tinh khác đang ẩn trong những dữ liệu mà họ đã thu thập được. Họ hy vọng sẽ tiếp tục sử dụng công nghệ AI này với phần còn lại của núi dữ liệu từ kính thiên văn Kepler, cũng như dữ liệu từ những kính thiên văn khác.
Đối với việc khám phá ra một hệ hành tinh tương đương với hệ mặt trời như lần này, các nhà khoa học đang ngày một hy vọng rằng sẽ tìm kiếm được sự sống ngoài hành tinh ở những nơi khác trong vũ trụ.