Tuần qua, khi tiến hành thăm dò ý kiến của một số giáo viên ngoại ngữ ở TP.HCM về quy định này thì hầu hết đều cho rằng nên chấm dứt việc cho phép thi môn thay thế môn ngoại ngữ sớm chừng nào hay chừng đó. Theo các giáo viên, việc Bộ GD&ĐT quy định như thế là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh không có điều kiện học môn ngoại ngữ đầy đủ. Đó là một quy định đúng nhưng nên có điểm dừng, vì vô tình hay cố ý chính quy định này gây tác dụng ngược: Làm cho việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường chậm lại.
Các giáo viên ngoại ngữ cho rằng môn ngoại ngữ là một trong các môn khó kiếm điểm nên tâm lý học sinh thích chọn môn khác để thay thế. Quy định này chẳng khác nào “tiếp tay” cho các em lười học ngoại ngữ. Trình độ ngoại ngữ của các em vì vậy rất chậm được cải thiện. Cũng do quy định này, phía nhà trường cũng có tâm lý “đủng đỉnh”, chưa cần thiết phải gấp rút đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường. Giáo viên ngoại ngữ thiếu, chậm được bổ sung. Mặt khác, nó còn gây bất bình đẳng, thiệt thòi cho các học sinh chọn thi môn ngoại ngữ, vì với môn thi này việc kiếm điểm thường thấp. Điểm số môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia cũng như trong kỳ thi tuyển sinh ĐH các năm trước đã chứng minh thực tế này.
Ngày nay không ai không thấy vai trò quan trọng của ngoại ngữ trong đời sống. Hơn nữa đây là công cụ không thể thiếu nếu muốn phát triển nhanh đất nước. Thời gian qua một loạt chủ trương thúc đẩy việc dạy và học môn ngoại ngữ đã ra đời. Cụ thể, năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1400 phê duyệt đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Mục tiêu chung của đề án là “đảm bảo đến năm 2015 đạt được bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực”. Quyết định trên đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc đổi mới công tác dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường. Nhiều chương trình dạy và học ngoại ngữ đã được xây dựng, triển khai thực hiện từ bậc tiểu học đến ĐH. Đặc biệt từ quyết định trên, các trường sư phạm được tạo thêm điều kiện để tăng số lượng giáo viên ngoại ngữ được đào tạo. Đến nay, theo số liệu của Bộ GD&ĐT, hầu hết trường phổ thông đều đảm bảo đủ số lượng giáo viên ngoại ngữ.
Tóm lại, với điều kiện về giáo viên, phương tiện để dạy và học ngoại ngữ đã khá đầy đủ như hiện nay, thiết nghĩ quy định cho phép thi môn thay thế môn ngoại ngữ nên được bãi bỏ càng sớm càng tốt!