Chiều 18-1-2019, đoàn khảo sát Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố do bà Trần Thị Hải Yến, Phó ban dẫn đầu đã có buổi làm việc tại Sở GD&ĐT TP.HCM về tình hình triển khai thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 03/2018/NQ- HĐND của HĐND thành phố.
Bà Trần Thị Hải Yến, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội phát biểu tại buổi làm việc vào chiều nay. Ảnh: NQ
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết ngành GD&ĐT thành phố hiện có 1.320 trường công lập ở các bậc học Mầm non và bậc học phổ thông với khoảng 64.000 cán bộ là công chức, viên chức trong định mức biên chế và gần 5.200 viên chức làm việc theo chế độ hợp đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các đơn vị đã hoàn tất công tác đánh giá, phân loại đối với công chức, viên chức theo thẩm quyền ở quý 2&3 của năm 2018 và đang triển khai thực hiện đánh giá, phân loại quý 4.
Theo ông Long, việc thực hiện nghị quyết đã động viên, khích lệ tinh thần đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành GD&ĐT, đồng thời đây cũng là giải pháp khá thiết thực để đánh giá hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Sở GD&ĐT đã tiếp nhận những đề xuất cơ sở giáo dục toàn ngành về các vướng mắc gặp phải.
Thứ nhất, đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hưởng thu nhập tăng thêm là công chức, viên chức đang thử việc, diện hợp đồng 68, hợp đồng trong chi tiêu biên chế và những vị trí có trong khung vị trí việc làm nhưng chưa thể tuyển dụng do quy định tạm dừng Chính phủ.
Mặt khác, đề nghị không tính nghỉ quá 22 ngày làm việc đối với các trường hợp sau: Thời gian nghỉ hè của giáo viên, vì giáo viên nghỉ hè là đặc thù riêng của Ngành giáo dục được quy định trong Luật giáo dục, trong thời gian nghỉ hè, giáo viên vẫn tham gia các Hội đồng thi, chấm thi, chấm tuyển sinh, thi tốt nghiệp. Ngoài ra, giáo viên còn phải tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Thời gian cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học tập trung cũng là đang thực hiện nhiệm vụ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực để cống hiến cho cơ quan nên cũng cần được xem xét.
Hơn nữa, thời gian nghỉ hưu khi chưa đủ quý, các trường hợp cán bộ, công chứ, viên chức nghỉ hưu đến thời điểm nào thì tính đến thời điểm thực tế công tác chứ không thuộc diện nghỉ phép 22 ngày làm việc.
Liên quan đến những kiến nghị trên, Sở Nội vụ đã có công văn hướng dẫn thực hiện một số nội dung liên quan đến vấn đề đánh giá, phân loại hàng quý. Đối với cán bộ, công chức viên chức hiện tại đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị khác nhưng có đủ thời gian công tác trong những quý trước đây nghĩa là không có thời gian nghỉ việc từ 22 ngày làm việc trở lên trong quý thì vẫn được xem xét, đánh giá, phân loại để làm cơ sở chi thu nhập tăng thêm. Còn đối với những kiến nghị khác nêu trên, Sở Nội vụ đã có văn bản báo cáo, đề xuất với UBND TP xem xét và cho ý kiến.
Thực tế, hiện nay tại một số quận, huyện đã bắt đầu chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên. Ông Trần Văn Tú, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GD-ĐT TPHCM) cho hay, theo ông nắm được thì một số quận huyện đã chi tiền thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03, tuy nhiên nhiều quận huyện chưa chi khoản tiền này.
Theo ông Tú, một số kho bạc ở các quận huyện chưa nắm rõ về nghị quyết nên chưa mạnh dạn chuyển khoản để các trường thực hiện việc chi theo Nghị quyết.
Ngay như Sở GD-ĐT TPHCM và các đơn vị trực thuộc, việc đánh giá cũng hoàn thành nhưng vẫn chưa chi khoản tiền này. Do vẫn đang chờ ý kiến của giám đốc Sở đối với nhân viên diện hợp đồng 68.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Hải Yến cho biết, qua khảo sát các trường trong thời gian qua, Ban cũng đã nắm bắt được những vấn đề khó khăn mà các trường đang gặp phải trong quá trình triển khai nghị quyết. Những vấn đề trên HĐND sẽ có kiến nghị với UBND TP để có sự điều chỉnh phù hợp.
Đồng thời, bà Hải Yến cũng tâm tư: “Còn 2 tuần nữa nghỉ tết, liệu có đảm bảo chi cho giáo viên, cán bộ công nhân viên trước Tết không? Tôi kiến nghị các đơn vị tìm giải pháp để chi trước Tết Nguyên đán cho giáo viên. Đây cũng là nguồn động lực để giáo viên cố gắng hơn trong công việc”.