Trên số báo hôm qua, chúng tôi đã thông tin về trường hợp Chau Sum, một người dân tộc thiểu số bị bệnh tâm thần phân liệt, bị cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh, TP.HCM truy tố tội chống người thi hành công vụ. TAND huyện Bình Chánh đã đưa vụ án ra xét xử nhưng chưa xong phần kiểm tra lý lịch đã phải hoãn.
Theo kết luận giám định của Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM, tình trạng tâm thần của bị cáo Sum là: Chậm phát triển tâm thần, mức độ nhẹ kèm rối loạn hành vi phải chú ý theo dõi; bị hạn chế nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội. việc Sum thực hiện hành vi phạm tội có đủ năng lực trách nhiệm hình sự hay không không thuộc thẩm quyền trả lời của giám định viên.
Bị cáo Chau Sum tại phiên tòa ngày 8-12. Ảnh: PHƯƠNG LOAN
ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM, Bộ Y tế (cơ quan giám định tâm thần Chau Sum), thông tin thêm về trường hợp này. BS Quang cho biết theo yêu cầu của Công an huyện Bình Chánh, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM chỉ có thể trả lời kiến thức về mặt y khoa theo chức năng nhiệm vụ. Đó là có bệnh tâm thần hay không; dựa theo tiêu chuẩn nào; khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của đối tượng ra sao.
Về tình trạng tâm thần thì như kết luận giám định đã nêu. “Hội đồng giám định đã theo dõi và đánh giá cũng như kết hợp với các phương pháp khác để khám và đưa ra kết luận như đã nêu. Việc xử lý người phạm tội mà bị hạn chế về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thế nào là tùy thuộc vào cách xử lý và xem xét nhiều mặt của cơ quan tố tụng” - BS Quang nói.
Cũng theo BS Quang, trước đây khi Luật Giám định tư pháp 2012 chưa được thực hiện, nhiều khi việc đánh giá năng lực trách nhiệm hình sự không thuộc trách nhiệm của cơ quan giám định nhưng một số cơ quan tố tụng lại hay hỏi. Điều đó làm cho việc giám định trả lời theo yêu cầu của cơ quan tố tụng gặp rất nhiều trở ngại. Nay theo điểm 1.11 khoản 1 Mục II Phần I Quy trình giám định pháp y tâm thần (ban hành kèm theo Thông tư số 18/2015 của Bộ Y tế) thì cơ quan giám định chỉ kết luận về y học và kết luận về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi (trong từng thời điểm, đặc biệt là thời điểm gây án) chứ không đánh giá năng lực trách nhiệm hình sự.
“Tôi rất đồng tình với ý kiến của luật sư (LS) Nguyễn Văn Hồng về việc xử lý đối với Chau Sum như đã nêu trên số báo hôm qua, về lý cũng như tình, sao cho đảm bảo khách quan, đúng pháp luật và khoa học” - BS Quang nói.
Trước đó, LS Nguyễn Văn Hồng cho rằng không cần thiết xử lý hình sự vì tình trạng hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự của Chau Sum là rất nghiêm trọng. Chau Sum gây án khi đang bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, hậu quả đã được ngăn chặn nên chỉ cần áp dụng chữa bệnh bắt buộc bị cáo là đủ.
Ngoài ra, theo chúng tôi, tội phạm mà bị cáo Sum gây ra thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, gây án trong tình trạng hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 46 BLHS. Vì vậy, cơ quan tố tụng cần miễn trách nhiệm hình sự bị cáo để thể hiện tính nhân đạo của pháp luật.