Trong hai tháng qua, Trung Quốc (TQ) liên tục quân sự hóa mạnh mẽ các tiền đồn chiếm đóng trái phép tại Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam mà không gặp nhiều cản trở. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh mà còn có khả năng làm thay đổi cán cân quyền lực tại khu vực.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho rằng TQ gặp thuận lợi cả về sức mạnh nội tại lẫn bối cảnh quốc tế.
2 điều kiện Trung Quốc gia tăng bành trướng
. Phóng viên: Thời gian gần đây vì sao TQ liên tục đưa vũ khí ra Trường Sa và Hoàng Sa bất chấp cộng đồng quốc tế phản đối?
+ TS Nguyễn Thành Trung: Về khía cạnh sức mạnh nội tại TQ, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã tập trung củng cố được quyền lực, bãi bỏ được điều khoản trong hiến pháp giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước, chính vì vậy ông Tập có thể thực hiện các đại chiến lược của mình và độc chiếm biển Đông là một trong những chiến lược đó. Sau sự kiện tháng 5-2014 khi TQ đưa giàn khoan nổi HD 981 vào khu vực vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam gây ra nhiều phản ứng mạnh mẽ quốc tế thì Bắc Kinh chuyển sang chính sách “tằm ăn dâu” hay “cắt lát salami” để tránh gây phản ứng gay gắt. Bắt đầu từ việc TQ cải tạo đảo chiếm đóng trái phép vào năm 2014, rồi sau đó xây đường băng, khu vực hậu cần quân sự và tới năm thứ tư thì lắp đặt vũ khí tấn công như tên lửa đất đối không, tên lửa hành trình chống hạm... Hiện tại phương cách này có vẻ hiệu quả khi TQ có thể thực hiện mục tiêu từng bước của mình cho chiến lược độc chiếm biển Đông.
TS Nguyễn Thành Trung. Ảnh: NVCC
Khía cạnh thứ hai, bối cảnh quốc tế hiện nay có nhiều bất lợi cho sự quan tâm của thế giới đối với vấn đề biển Đông. Mỹ và Nga đang tập trung vào vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. Ngay trước đó là vấn đề Syria và hạt nhân Iran. Chính vì vậy TQ có thể nhanh chóng thực hiện việc đưa vũ khí tấn công ra các đảo nhân tạo ở Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp sự phản đối hay quan tâm đáng kể từ thế giới, ngoại trừ các quốc gia liên quan. Ngoài ra, sức mạnh kinh tế và thương mại của TQ cũng khiến nhiều quốc gia khác không thật sự mặn mà với việc chỉ trích TQ. Philippines là một ví dụ.
. Ông đánh giá phản ứng của Mỹ như thế nào trong thời gian qua trước và sau khi TQ đưa vũ khí hạng nặng ra biển Đông? Vì sao Mỹ lại ứng xử như vậy?
+ Theo đánh giá của tôi, phản ứng của Mỹ trước việc TQ quân sự hóa biển Đông không có gì ngoài dự đoán. Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố cảnh báo TQ về các hậu quả khi quân sự hóa các đảo nhân tạo. Nhìn một cách tổng quát, Mỹ hiện không có nhiều sáng kiến hay biện pháp răn đe táo bạo trước các hành động quân sự hóa biển Đông của TQ.
Vài ngày trước, Mỹ đưa hai tàu chiến thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOPS) ở khu vực đảo TQ chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa nhằm nhắc nhở TQ tôn trọng tự do hàng hải biển Đông. Có lẽ chúng ta phải đợi bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis ở Đối thoại Shangri-La vào đầu tháng 6 sắp tới để xem Mỹ có chiến lược mới nào cho biển Đông hay không. Có lẽ các cam kết mới của Mỹ ở khu vực này là điều mọi người mong đợi nhất.
Kỳ vọng sáng kiến của Mỹ tại châu Á
. Trong bối cảnh TQ ngày càng hung hăng và Mỹ thiếu các sáng kiến tại khu vực, liệu Washington sẽ đưa ra những điều chỉnh chiến lược khả dĩ?
+ Theo tôi biết, các nhà lập pháp của Mỹ đang cố gắng trấn an đồng minh và các quốc gia thân thiện của Mỹ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương bằng cách đưa ra bàn thảo dự luật Asia Reassurance Initiative Act (Đạo luật Sáng kiến bảo đảm châu Á). Đạo luật này do thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Cory Gardner bảo trợ đưa ra bàn thảo ở Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện vào cuối tháng 4 vừa rồi.
Nếu đạo luật này được thông qua thì Mỹ sẽ có thêm ngân sách cho vùng châu Á-Thái Bình Dương. Sau sự kiện Crimea ở Nga vào năm 2014 thì Mỹ cũng thông qua Sáng kiến bảo đảm châu Âu (European Reassurance Initiative) và ngân sách cấp cho sáng kiến này trong năm 2017 lên tới 3,4 tỉ USD nhằm trấn an đồng minh của Mỹ ở châu Âu.
Theo dự luật Sáng kiến bảo đảm châu Á thì ngân sách cấp cho Bộ Quốc phòng Mỹ và Cơ quan Phát triển Quốc tế (the US Agency for International Development) để bảo đảm ổn định, thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ và duy trì sự tuân thủ luật pháp quốc tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mỗi năm là khoảng 1,5 tỉ USD.
. Có ý kiến cho rằng cá nhân Tổng thống Donald Trump không quan tâm đến biển Đông. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
+ Hiện tại thì chính quyền Tổng thống Trump không có một chính sách cụ thể, rõ ràng đối với vấn đề biển Đông ngoài việc yêu cầu các bên liên quan tôn trọng tự do hàng hải. Điều này cũng tương tự dưới thời chính quyền Tổng thống Obama. Mặc dù có thể nói vấn đề hạt nhân Triều Tiên là mối quan tâm hàng đầu của ông Trump nhưng chúng ta có thể thấy các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực biển Đông nhiều hơn trước đây.
Đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm và xây dựng trái phép. Ảnh: CNN
Tàu chiến Mỹ tăng cường tuần tra biển Đông. Ảnh: US Navy/AP
Có lẽ do chính quyền Trump không muốn công khai các hoạt động này với báo chí như dưới thời Obama nên khá lặng tiếng. Trong suốt nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Obama, hải quân Mỹ chỉ có sáu chuyến thực hiện “sứ mệnh bảo đảm tự do hàng hải” (FONOPS) quanh các đảo chiếm đóng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay Mỹ đã thực hiện ít nhất bảy chuyến FONOPS. Ngoài ra, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cũng tăng cường số ngày tàu chiến hiện diện ở khu vực biển Đông lên thêm 200 ngày/năm. Tháng 3 vừa qua, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ lần đầu tiên viếng thăm Việt Nam kể từ sau năm 1975.
Tuy nhiên, những động thái kể trên của Mỹ vẫn chưa đủ trấn an các quốc gia có tranh chấp trong vùng biển Đông về vai trò của Mỹ như là người bảo đảm cân bằng cán cân quyền lực ở khu vực Đông Nam Á. Trong thời gian sắp tới, khi TQ hoàn tất quá trình độc chiếm biển Đông thì vấn đề biển Đông sẽ là vấn đề nhức nhối trong quan hệ Trung-Mỹ không kém vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay Đài Loan. Nếu TQ hoàn thiện việc biến các đảo chiếm đóng thành căn cứ quân sự hiện đại thì trong tương lai cán cân quân sự ở khu vực sẽ có nhiều biến đổi. Khu vực biển Đông quá nhỏ bé để chứng kiến hai cường quốc hải quân Mỹ và TQ muốn thể hiện vai trò của mình với các mục đích khác nhau.
. Có thể hình dung cạnh tranh Mỹ-TQ ở biển Đông trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Trump ra sao? Ảnh hưởng thế nào đến an ninh khu vực?
+ Tôi cho rằng để có thể suy đoán một cách chính xác hơn về cạnh tranh Mỹ-Trung ở khu vực biển Đông trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Trump thì chúng ta phải phân tích cả tình hình chính trị nội địa của TQ và Mỹ. Ông Tập thì hầu như không gặp thách thức trong nước. Tuy nhiên, chúng ta phải đợi cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ vào giữa tháng 11 để xem đảng Cộng hòa có còn kiểm soát Quốc hội như trước không.
Nếu ông Trump quá bận rộn với chính trị trong nước thì vấn đề biển Đông lúc đó sẽ xuống hàng thứ yếu. Nếu TQ ngày càng mạnh mẽ hơn ở khu vực biển Đông thì chắc chắn Mỹ sẽ không để yên. Tuy nhiên, phản ứng như thế nào thì vẫn còn phải đợi xem khi hiện tại vẫn chưa có sự thống nhất giữa Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng về cách đối phó TQ.
Khó có khả năng TQ gây chiến tranh TQ trong gần thập niên qua luôn giữ an ninh biển Đông trong “vùng xám”, tức leo thang căng thẳng nhưng không gây ra chiến tranh. Hiện nay dù TQ quân sự hóa biển Đông mạnh mẽ nhưng theo đánh giá của tôi, khả năng TQ vượt “vùng xám” khá thấp do nhiều lý do. Lý do đầu tiên là TQ muốn tránh gây xung đột lớn với Mỹ để có thể duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và duy trì tính chính danh cho thể chế chính trị hiện nay. Lý do thứ hai là hiện tại các mâu thuẫn chưa đến mức gây xung đột. Thứ ba là hai quốc gia đã đồng ý phát triển ngoại giao nước lớn có các thiết chế đối thoại song phương để giảm gây căng thẳng. Thứ tư, cả Mỹ lẫn TQ đều biết rằng họ cần có nhau để giải quyết các vấn đề chung khác. Ví dụ như vấn đề Triều Tiên. TS NGUYỄN THÀNH TRUNG |