Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm tại Thượng Hải (Nguồn: Reuters)
Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, dù Moskva sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Bắc Kinh trong lĩnh vực kinh tế trong bối cảnh phương Tây thắt chặt lệnh trừng phạt do vấn đề Ukraine thì hai nước khó có thể thiết lập một liên minh chính trị do còn nhiều khác biệt về lợi ích.
Nga cần xích lại gần Trung Quốc
Chuyên gia Petr Panov, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trioctoni - tập đoàn đa ngành cho có trụ sở tại Singapore, hoạt động chủ yếu tại các nước thuộc Liên Xô cũ gồm Nga, Belarus, Ukrane và các nước Baltic - nhận định: “Tất nhiên là Mỹ không muốn quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh trở nên quá mật thiết. Trung Quốc là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đồng thời cũng là thị trường lớn nhất thế giới. Vì vậy Trung Quốc trở thành siêu cường và nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai là điều không phải bàn cãi,” – ông Panov cho biết.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với các hãng truyền thông hàng đầu của Trung Quốc trước thềm chuyền thăm Thượng Hải, ông Putin đã khẳng định Nga coi hợp tác với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và sẵn sàng làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương.
Ông Putin cho rằng, những hướng ưu tiên hàng đầu là kinh tế, trong đó bao gồm việc thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước phát triển các dự án chung trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cao.
Một số chuyên gia Nga nhận định rằng trước tình thế Mỹ định kiềm chế Nga ở phía Tây thông qua cuộc khủng hoảng ở Ukraine và tăng cường hiện diện của NATO tại các nước Đông Âu, đồng thời Washington thúc đẩy quan hệ với các quốc gia đồng minh ở phía Đông gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, thì Moskva và Bắc Kinh không thể không hành động.
Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Nhiều sản phẩm then chốt trong ngành chế tạo máy bay, tên lửa, radar quân sự được sản xuất ở miền Đông-Nam Ukraine. Nếu việc sản xuất bị gián đoạn sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến Nga, khi mà hàng chục nhà máy khác ở Nga cũng tham gia vào quá trình sản xuất có thể phải gián đoạn hoạt động và dẫn đến hàng ngàn công nhân Nga mất việc làm.
Trong bối cảnh như vậy, việc lãnh đạo Nga-Trung lần đầu tiên cùng hiện diện tại cuộc tập trận chung “Tương tác hải quân-2014” là một tín hiệu cảnh báo rõ ràng với Washington.
Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề liên minh quân sự-chính trị Nga-Trung nhiều chuyên gia cho rằng triển vọng như vậy ít có khả năng xảy ra.
Nga sợ Trung Quốc sao chép vũ khí hiện đại
Nhiều chuyên gia Nga từ lâu đã quan ngại việc hợp tác quốc phòng chặt chẽ với Trung Quốc có thể khiến lợi ích của Nga bị tổn thương. Họ cho rằng Trung Quốc có thể tiếp tục sao chép các vũ khi hiện đại của Nga và bán ra thị trường thế giới với giả rẻ hơn, trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Nga trên thị trường vũ khí thế giới.
Chuyên gia Trung Quốc Yin Zhuo khẳng định với tờ Nhân dân nhật báo rằng, Moskva và Bắc Kinh không mong muốn thành lập liên minh quân sự, và rằng hình thức này không đáp ứng lợi ích của cả hai nước.
Ông này nhấn mạnh, Nga và Trung Quốc có lợi ích chung đáng kể, đặc biệt là sự gần gũi về lập trường và ý kiến về các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, hai bên lại có những lợi ích riêng khác nhau, quan điểm không giống nhau trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là ở Biển Đông (Nga vẫn giữ quan điểm trung lập).
Trong cuộc gặp gỡ trực tuyến với công dân Nga mới đây, trả lời câu hỏi liệu Nga có liên minh với Trung Quốc hay không, ông Putin đã trả lời thẳng thắn Moskva “không có ý định hình thành liên minh” với Bắc Kinh.
Ngày 19/5, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc trước thềm chuyến thăm Thượng Hải, ông Putin đã khẳng định lập trường của Nga về việc giải quyết các vấn đề quốc tế, đặc biệt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Putin khẳng định: Cần phải tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực./.
Theo TRẦN HIẾU (VIETNAM+)