Mới đây nhất, Ngân hàng SHB đã cảnh báo thêm chiêu lừa đảo qua facebook. Theo đó, khách hàng của ngân hàng này đã được một nội dung chat từ nick facebook có tên nước ngoài với nội dung mong muốn được chia đôi số tiền lên đến 7,3 triệu USD (tương đương hơn 171 tỷ đồng) và đề nghị khách hàng đăng nhập vào website giả mạo để rút tiền.
Tương tự, ngân hàng ACB cũng cho biết, thủ đoạn mới của kẻ lừa đảo là đột nhập ăn cắp tài khoản facebook của nạn nhân. Sau đó gửi tin nhắn messenger tới bạn bè của tài khoản facebook bị hacker tấn công. Trong tin nhắn gửi đi có đường link giới thiệu về chương trình nhận thưởng giả mạo.
Để tránh bị lừa trong giao dịch chủ thẻ cần giữ bí mật thông tin bảo mật.
Trước đó, ngân hàng VPBank cũng đã phát hiện ra một số khách hàng bị kẻ gian gửi tin nhắn qua điện thoại hoặc thông tin trên facebook có nội dung mời nhận tiền từ nước ngoài chuyển về. Qua đó, các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng đăng nhập vào đường dẫn trang web được cung cấp sẵn bằng tên đăng nhập (username) và mật khẩu tài khoản Internet banking của khách hàng. Sau đó họ tiếp tục yêu cầu nhập mã OTP được ngân hàng gửi vào số điện thoại hoặc email của khách hàng để rút hoặc chuyển tiền.
Theo ghi nhận của nhiều ngân hàng, những kịch bản lừa đảo mới của những kẻ gian thường nhắm vào một số nhóm khách hàng như: các shop bán hàng trực tuyến, người dùng ví điện tử như Zalo, MoMo, Payoo hoặc những người có nhu cầu vay tín dụng trực tuyến.
Trước hàng loạt rủi ro này, đại diện SHB khuyến cáo “Người dùng cần cẩn trọng với email, tin nhắn, cuộc gọi trên mạng xã hội với những nội dung chuyển tiền, trúng thưởng, chia tài sản,…. như trên. SHB khuyến cáo khách hàng cảnh giác với tất cả các yêu cầu liên quan đến việc click vào các trang website kèm theo yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã đăng nhập dịch vụ internet banking, số thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, mã CVV.
Đồng thời, Ngân hàng ACB cho biết thêm là ngay khi khách hàng cung cấp username và password để đăng nhập dịch vụ Internet Banking, hacker sẽ truy cập vào IB xóa số điện thoại nhận “thông báo thay đổi số dư”. Như vậy khả năng cao khách hàng bị hacker chiếm toàn bộ số tiền trong tài khoản mà không biết.
Nên cập nhật phần mềm bảo mật mới nhất của ngân hàng Anh Nguyễn Hữu Thăng, kỹ sư công nghệ thông tin chia sẻ: Để tránh gặp phải những rủi ro không đáng có, khách hàng chỉ nên thực hiện giao dịch tại website uy tín, có độ bảo mật cao và kiểm tra kỹ tên miền website trước khi gõ các thông tin bảo mật vì đối tượng gian lận có thể chuyển hướng khách hàng đến các website lừa đảo. Người dùng nên cập nhật các phần mềm bảo mật và ứng dụng ngân hàng mới nhất. Đồng thời cần đăng xuất khỏi tài khoản ngay sau khi hoàn thành phiên giao dịch. Khi có sự cố xảy ra, khách hàng gọi báo ngay cho tổng đài của ngân hàng mà mình đăng ký mở tài khoản thẻ. |