+ Đại diện EVN: Hiện nay EVN chưa có thống kê cụ thể về doanh thu trong tháng 3 vì còn phải chi trả và quyết toán các chi phí khác. Tuy nhiên, do giá bán lẻ điện bình quân được Bộ Công Thương cho phép điều chỉnh tăng 8,36% từ ngày 20-3 nên dự kiến doanh thu năm 2019 (tăng từ ngày 20-3 đến 31-12) ước tính khoảng 20.000 tỉ đồng.
. Hiện các khoản đầu tư ngoài ngành đã thoái vốn hết chưa? Giá điện có phải gánh các khoản lỗ từ việc đầu tư này không?
+ EVN đã thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành với tổng giá trị thoái vốn thành công là 2.214 tỉ đồng, tổng giá trị vốn thu về 2.341 tỉ đồng; thặng dư vốn 127 tỉ đồng. Mặt khác, theo báo cáo chi phí và giá thành sản xuất, kinh doanh điện đã được kiểm toán và được Bộ Công Thương chủ trì họp báo công khai hằng năm thì định giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN được xác định trên cơ sở giá thành của các khâu: chi phí phát điện và mua điện, chi phí thực hiện khâu truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện của các tổng công ty điện lực… Trong đó, giá điện không bao gồm các khoản chi phí đầu tư ra ngoài ngành.
. Có thông tin cho rằng EVN đang gửi hơn 42.000 tỉ đồng không kỳ hạn tại ngân hàng. Tại sao EVN không dùng số tiền đó để đầu tư cho ngành điện?
+ EVN có gửi số tiền 42.000 tỉ đồng trong ngân hàng, song số tiền dư trên được tổng hợp từ các đơn vị sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ. Việc gửi tiền vào ngân hàng là để đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân thì mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi ngân hàng để phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất. Ví dụ như thanh toán nhiên liệu nhập khẩu hoặc thanh toán cho các đơn vị cung cấp trong nước, thanh toán tiền mua điện hằng tháng cho các đơn vị bán điện…